Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ rối cho nhau

10:10, 25/10/2017

Vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng, đặc biệt là của khối doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, lâu nay luôn được đưa ra trao đổi, gỡ khó trong các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương.

Vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng, đặc biệt là của khối doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, lâu nay luôn được đưa ra trao đổi, gỡ khó trong các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương. Vướng mắc muôn thuở vẫn là: doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhưng khả năng đáp ứng các yêu cầu từ phía ngân hàng còn hạn chế, do đó ngân hàng không duyệt cho vay, doanh nghiệp nóng ruột và khát vốn nên nhiều khi phải vay từ các nguồn bên ngoài với lãi suất cao.

Trong khi đó, không ngân hàng nào lại muốn vốn liếng tồn dư trong kho. Trái lại còn tìm mọi cách để cho vay, vì một ngân hàng không thể có lãi nếu để đồng vốn “chết”.

Mâu thuẫn này sẽ càng lên cao giữa bối cảnh hiện tại: doanh nghiệp thành lập mới liên tục, mở rộng làm ăn liên tục trong khi các yêu cầu đảm bảo an toàn vốn vay gần như không thay đổi, ít được “nới” ra một cách thực sự, đặc biệt trong hoàn cảnh trách nhiệm đảm bảo an toàn vốn của phía ngân hàng đang rất nặng nề. Có thể thấy điều này thông qua một số đại án ngân hàng đã và đang được đem ra xét xử.

Cái khó của phía ngân hàng là vừa muốn cho vay, vừa phải đảm bảo đúng nguyên tắc về tài sản thế chấp, phòng ngừa rủi ro, xem xét các phương án kinh doanh... Có lẽ nhiều người chưa quên những năm 2010-2013, với sự bùng nổ thành lập ngân hàng tư nhân, hàng loạt ngân hàng ra đời và cạnh tranh nhau khốc liệt ở cả huy động vốn và cho vay, nhiều ngân hàng “xé rào” giành khách và hệ lụy phát sinh kéo dài đến tận ngày nay, khi các đại án được đưa ra xét xử với lượng vốn thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng, nhiều ngân hàng phải sát nhập và tái cấu trúc. Điều này khiến giới ngân hàng càng trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay và sử dụng đồng vốn của mình. Và cái khó của doanh nghiệp, ai cũng hiểu là nóng ruột muốn có vốn để nắm bắt ngay cơ hội kinh doanh, không muốn bỏ lỡ. Những doanh nghiệp quy mô nhỏ luôn phải rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thời cơ. Do đồng vốn có hạn, họ phải loay hoay tìm nguồn vốn rẻ để cạnh tranh để có giá sản phẩm thấp hơn so với đối thủ, và do đó càng “khát” vốn ngân hàng bởi so về lãi suất, lãi ngân hàng chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/5 so với các nguồn vốn khác trên thị trường.

Thực tế này được làm rõ và phân tích nhiều, nhưng vẫn chưa tìm ra được cách tháo gỡ rốt ráo. Nhìn lại, đa số doanh nghiệp thành lập hoặc nâng cấp quy mô nhưng tài sản thế chấp không nhiều, phương án kinh doanh chưa chuyên nghiệp và chưa tạo được niềm tin cho phía cho vay, nhiều doanh nghiệp vẫn vận hành và quản lý theo kiểu hộ gia đình... dẫn đến quá trình tiếp cận vốn gặp nhiều vướng mắc, ngân hàng khi gặp những doanh nghiệp như trên đều tăng các biện pháp thế chấp, kiểm soát để bảo vệ đồng tiền, tránh nợ xấu. Cũng không thể phủ nhận, có nhiều nhà băng khi duyệt hồ sơ vay vốn đã ít nhiều cứng nhắc, đòi hỏi quá nhiều chi tiết, định giá tài sản thấp hơn nhiều so với giá trị thực khiến doanh nghiệp thiệt thòi.

Về lâu dài, có lẽ không phương án nào tốt hơn là bản thân doanh nghiệp phải tự nâng cấp hoạt động, chuyên nghiệp hóa về quy trình quản lý, phương án kinh doanh cùng các phương pháp khác để thuyết phục ngân hàng. Phía cho vay cũng cần linh động trong giới hạn cho phép, hỗ trợ tối đa về trình tự thủ tục và cung ứng các dịch vụ, gói vay, lãi suất tối ưu nhất cho doanh nghiệp. Thực sự, hoạt động cho vay dựa vào Luật, và đã là luật thì khó lòng thay đổi. Chỉ có cách làm linh động và cái tâm của người thực hiện thì mới có thể phần nào giúp nhau gỡ khó.   

VI LÂM

Tin xem nhiều