Cách đây 10 năm, nếu muốn khởi sự việc bán hàng rộng rãi, một doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn cũng sẽ phải bắt đầu bằng việc khai trương một cửa hàng thật sự đầu tiên, với tất cả các yếu tố bắt buộc phải lo: vốn, mặt bằng, trang trí, nhân viên, chi phí vận hành... Mạng lưới càng rộng, chi phí càng cao.
Cách đây 10 năm, nếu muốn khởi sự việc bán hàng rộng rãi, một doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn cũng sẽ phải bắt đầu bằng việc khai trương một cửa hàng thật sự đầu tiên, với tất cả các yếu tố bắt buộc phải lo: vốn, mặt bằng, trang trí, nhân viên, chi phí vận hành... Mạng lưới càng rộng, chi phí càng cao.
Nhưng hiện tại, doanh nghiệp có thể chọn cách khác, dễ dàng nhanh chóng hơn thông qua công nghệ. Chẳng hạn, thuê một công ty viết một phần mềm ứng dụng bán hàng, “chạy” trên các điện thoại thông minh có kết nối internet, trả tiền để ứng dụng đó xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội và các trang web để quảng bá. Và hoạt động bán hàng - giao hàng đó hoàn toàn không cần đến một cửa hàng thực sự.
Đó là một trong muôn ngàn ví dụ chứng minh sức mạnh của công nghệ khi áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Sâu rộng hơn, ngày nay công nghệ đổi mới liên tục và len lỏi vào các ngóc ngách cuộc sống từ nhỏ đến lớn, đến nỗi người ta phải khai sinh khái niệm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Và, doanh nhân không thể đứng ngoài, bởi đứng ngoài nghĩa là tự đào thải.
Trong buổi gặp gỡ doanh nhân Đồng Nai nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, ông Trần Bá Dương, người sáng lập và là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, sau rất nhiều chia sẻ về thời cuộc, về tâm thế doanh nhân trong thời đại mới, đã kết luận rằng doanh nhân thời nay phải “sống vì nghề và luôn đổi mới”.
Có lẽ chưa lúc nào sự đổi mới liên tục lại trở thành một đòi hỏi cấp thiết như hiện nay. Các ngành nghề kinh doanh, cách thức sản xuất, bán hàng, cách thức kết nối với người tiêu dùng… đang thay đổi từng giờ và những yếu tố quan trọng một thời theo kiểu “chậm mà chắc” không còn đứng đầu bảng nữa.
Rất nhiều ví dụ cho thấy doanh nhân ngày nay muốn khởi sự và giữ cho một doanh nghiệp tồn tại và phát triển lớn mạnh, đòi hỏi sự nắm bắt xu thế cực nhanh và không ngại thay đổi. Những ngày gần đây, cuộc biểu tình của giới tài xế taxi truyền thống chống lại 2 công ty taxi không sở hữu một chiếc xe nào là Grab và Uber đang lên cao trào. Chưa rõ kết quả ra sao, song điều này cho thấy sức mạnh của công nghệ có thể đẩy một doanh nghiệp không có đến một chiếc xe “làm vốn”, chỉ sở hữu ứng dụng gọi xe với cách vận hành thông minh, phút chốc trở thành một doanh nghiệp đa quốc gia kinh doanh dịch vụ vận tải khách, đồng thời đẩy những doanh nghiệp tưởng chừng như rất vững mạnh với hàng ngàn đầu xe và hàng chục năm kinh nghiệm vào những khó khăn rất lớn, thậm chí có nguy cơ phá sản. Nhìn rộng ra, ngay cả các hãng sản xuất đa quốc gia với sản phẩm chất lượng cả trăm năm, như: Sony, Honda… cũng đã và đang chật vật tìm cách đổi mới mình trong một môi trường kinh doanh mới, mà trong đó công nghệ mới thực sự là “ông chủ”.
Như vậy, giới doanh nhân đang đứng trước những thách thức lớn và cũng là những cơ hội lớn. Cách mạng công nghiệp mở ra những cơ hội đổi mới và cạnh tranh rất quyết liệt và nhanh chóng trong đủ mọi ngành nghề: dệt may, vận tải, sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính, thực phẩm, nhà hàng khách sạn... mà doanh nhân không thể đứng ngoài. Những yếu tố cơ bản nhất của kinh doanh truyền thống như vốn liếng, mặt bằng có thể không còn quá quan trọng, mà quan trọng nhất là tìm cách làm chủ công nghệ, đổi mới liên tục để tồn tại và phát triển.
Vi Lâm