Vụ học sinh lớp 4 ở xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) trên đường đi học về bị té xuống cống hở trôi ra sông thiệt mạng đang gây xôn xao dư luận. Bởi sự việc đau lòng này không phải là cá biệt mà đã xảy ra khá phổ biến trong cũng như ngoài tỉnh.
Vụ học sinh lớp 4 ở xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) trên đường đi học về bị té xuống cống hở trôi ra sông thiệt mạng đang gây xôn xao dư luận. Bởi sự việc đau lòng này không phải là cá biệt mà đã xảy ra khá phổ biến trong cũng như ngoài tỉnh.
Thời gian qua, những đoạn cống hở nguy hiểm đã được báo chí liên tiếp thông tin cảnh báo, song đến nay còn không ít hệ thống thoát nước xây dựng không nắp vẫn tồn tại. Điều này cho thấy lỗi thuộc về ai trước nỗi đau mất mát của những gia đình nạn nhân có con bị cống hở “nuốt” trọn? Câu hỏi này xem ra khó trả lời, nhưng lại rất dễ thấy vì nguyên nhân khiến các cháu bé tử vong dưới miệng cống hở ai cũng biết. Có điều, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hay đơn vị chủ đầu tư các tuyến đường có cống hở cố tình làm lơ, né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
Ở tỉnh Đồng Nai, ngoài các tuyến: quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51 còn có các đường tỉnh nối các huyện, rồi đường liên xã… Trên những con đường này hầu hết đều thiết kế hệ thống thoát nước, trong đó ngoài chủ đầu tư còn có đơn vị thi công và chính quyền địa phương giám sát. Thế nhưng, khi các tuyến đường hoàn thành xây dựng thì nhiều khu vực cống thoát nước chung không hoàn thiện. Trong đó, một số đoạn cống không nắp vẫn hiển hiện trước thắc mắc của người dân. Bởi kinh phí xây dựng các công trình công cộng, chủ yếu do ngân sách Nhà nước chi, nếu có kết hợp với hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao), hay BT (xây dựng, chuyển giao) thì cuối cùng chi phí xây dựng vẫn do Nhà nước hoặc người dân đóng thuế chi trả.
Ở đây có thể thấy, trách nhiệm của các bên liên quan là không rõ ràng, thậm chí thiếu minh bạch. Ví dụ, chủ đầu tư công trình đường tỉnh 768 (nơi cháu bé bị té xuống cống thoát nước tử vong) là Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức cho rằng thời điểm thi công tuyến đường này kinh phí eo hẹp nên không đủ điều kiện xây dựng cống thoát nước hoàn chỉnh; hay như trên đường tỉnh 769, đoạn ở khu vực Đồi 2, ấp 9 (xã Bình Sơn, huyện Long Thành), một bên đường có hệ thống thoát nước dài hàng trăm mét, sâu khoảng 1,5m dẫn ra con suối nhỏ không có nắp đậy, nhưng chính quyền địa phương nói rằng trách nhiệm thuộc cơ quan tỉnh; rồi hệ thống thoát nước trên đường Hùng Vương, đoạn đi qua ấp 3, 4, 5 (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) đang thi công nhưng chỉ rào chắn tạm bợ, khi phóng viên Báo Đồng Nai liên hệ làm việc thì không ai tiếp.
Phải nói rằng, những đoạn cống hở đều là những cái bẫy nguy hiểm đối với người đi đường, nhưng cơ quan chức năng lại thờ ơ, lãnh đạm trước những tai nạn thương tâm đã và có thể đến bất kỳ... Nói cách khác, vấn đề cống hở gây tai nạn cho người dân lẽ ra phải có sự ràng buộc của cơ quan hữu trách và những đơn vị liên quan, song chẳng mấy người liên đới quan tâm. Việc “đứng ngoài cuộc” của những vụ việc đau lòng chết người vì cống hở đã xảy ra, xem ra chẳng thể quy kết cho ai vì những quy định “hở” trách nhiệm.
Tạ Nguyên