Chỉ trong 4 ngày (từ ngày 27 đến 30-9), trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra 2 vụ tai nạn chết người sau khi trời đổ mưa lớn và cả 2 đều được tìm thấy sau khi bị nước cuốn trôi cách nơi xảy ra tai nạn khá xa.
Chỉ trong 4 ngày (từ ngày 27 đến 30-9), trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra 2 vụ tai nạn chết người sau khi trời đổ mưa lớn và cả 2 đều được tìm thấy sau khi bị nước cuốn trôi cách nơi xảy ra tai nạn khá xa.
Mới nhất là vụ anh Nguyễn Tấn Phát (29 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị nước cuốn trôi khi anh cùng một người khác đi xe máy qua cây cầu tạm Kim Bích bắc qua suối Săn Máu (nối 2 phường Trảng Dài và Hố Nai) vào đêm 30-9. Tai nạn xảy ra, người đi cùng anh Phát may mắn nắm được nhánh cây leo lên bờ nên sống sót, còn anh Phát bị dòng nước xoáy cuốn trôi. Sau nhiều giờ tìm kiếm, đến sáng 1-10, thi thể anh Phát mới được tìm thấy ở sông Cái, cách hiện trường xảy ra vụ tai nạn khoảng 6km.
Theo người dân chứng kiến vụ tai nạn, mỗi khi trời mưa lớn đoạn suối chảy qua cầu tạm Kim Bích nước thường dâng cao và chảy xiết, người dân địa phương ít dám đi qua cầu lúc này. Thời điểm xảy ra tai nạn, những người sống ở gần cầu Kim Bích thấy được sự nguy hiểm nên đã cố gắng la to nhắc nhở khi phát hiện có người định đi qua cầu, nhưng vẫn có một số người cố vượt qua. Và tai nạn đã xảy ra… Lúc ấy, dù chứng kiến anh Phát bị dòng nước dữ cuốn đi, nhưng mọi người đành bất lực.
Trước đó, vào chiều 27-9, cháu Nguyễn Tấn Trường (học sinh lớp 4 Trường tiểu học Chu Văn An, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) đi học về đến đường D1 trong Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân (xã Thiện Tân) thì gặp mưa to, nước chảy xiết. Bị trôi mất dép, Trường tìm nhặt dép thì bị nước cuốn trôi vào hệ thống mương thoát nước. Đến 21 giờ ngày 28-9, xác em mới được tìm thấy trên sông Đồng Nai, đoạn gần bến đò Tân Uyên (thuộc tỉnh Bình Dương), cách hiện trường xảy ra vụ tai nạn khoảng 10km.
Hai vụ nước cuốn chết người sau mưa lớn chỉ trong 4 ngày cho thấy những mối hiểm nguy, tai nạn vẫn rình rập trong mùa mưa bão. Điều đó nhắc nhở mọi người nêu cao ý thức cảnh giác, đảm bảo sự an toàn tính mạng và tài sản khi lưu thông trên đường, khi đi đò, phà qua sông hồ…
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn hết chính là trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng trong việc quản lý các công trình cầu đường, hệ thống thoát nước, đò phà… phải đảm bảo chắc chắn, an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân; trong việc cảnh báo, nhắc nhở người dân phải có ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân khi đi đường, đi đò phà qua sông…
Đặc biệt, trong vụ cháu Trường bị lọt mương thoát nước đang xây dang dở, cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn vị thi công, đơn vị quản lý khi để một công trình thiếu đảm bảo an toàn tồn tại trong thời gian dài, từ khi xây dựng đến khi vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra mà không có sự cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người khác.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đồng Nai cho thấy, không chỉ con mương thoát nước ở đường D1 mới nguy hiểm, mà hệ thống thoát nước dọc nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh hiện nay, dù đang thi công hay đã sử dụng nhiều năm vẫn còn nhiều miệng cống, mương thoát nước bị bật nắp, cống trần, không có rào chắn, cảnh báo…
Đã đến lúc cần phải mạnh tay với những cá nhân, đơn vị thi công quản lý, xây dựng các công trình dân sinh thiếu quan tâm đến việc đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Như các cơ quan tố tụng ở huyện Long Thành từng khởi tố điều tra một số cá nhân để cục bê tông cắm cọc tiêu công trình thi công mở rộng quốc lộ 51, nhưng không cắm biển báo dẫn đến tai vụ nạn giao thông chết người vào ngày 17-1-2011. P.M
Phạm Mai