Báo Đồng Nai điện tử
En

Minh bạch, công khai và tự nguyện

10:09, 11/09/2017

Dường như đã trở thành "lệ", cứ sau ngày khai giảng là các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi đến trường lại xôn xao chuyện các khoản thu đầu năm, xã hội lại "nóng" với con số chi phí phải đóng lên đến hàng triệu đồng/học sinh.

Dường như đã trở thành “lệ”, cứ sau ngày khai giảng là các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi đến trường lại xôn xao chuyện các khoản thu đầu năm, xã hội lại “nóng” với con số chi phí phải đóng lên đến hàng triệu đồng/học sinh. Bộ GD-ĐT cùng các địa phương liên tục có văn bản nhắc nhở không để xảy ra tình trạng lạm thu, nhà trường thì ra sức “diễn giải” về các khoản thu…

Thật ra, vấn đề các khoản thu đầu năm cần được bình tĩnh nhìn nhận dưới nhiều góc độ.

Thông thường, trong một năm học các trường đều được khoán kinh phí hoạt động bao gồm: lương giáo viên, cán bộ quản lý; chi phí điện nước, văn phòng phẩm, dịch vụ công cộng; chi phí hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, tiếp khách; sửa chữa, mua sắm… với định mức hết sức sát sao. Các hoạt động phong trào do nhà trường, các đoàn thể, kể cả do cấp trên điều động thì không được tính vào chế độ. Trong khi đó, với yêu cầu giáo dục học sinh phát triển toàn diện như hiện nay, nhà trường không chỉ có dạy và học mà còn cần rất nhiều hoạt động khác, như: Đoàn - Đội, văn nghệ, thể dục - thể thao, hoạt động ngoại khóa… Trường nào càng tổ chức nhiều hoạt động, phong trào càng sôi nổi thì càng “dễ chết” vì không có kinh phí bù vào. Nhà trường chỉ có duy nhất một giải pháp, đó là trông cậy vào cha mẹ học sinh, vì suy cho cùng chính học sinh là người được hưởng thụ từ các “giá trị cộng thêm” này. Một số trường có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu tiện nghi cũng chỉ biết tìm cách nâng cấp, bổ sung từ nguồn xã hội hóa phụ huynh.

Tuy nhiên, đứng từ góc độ “người chi tiền”, quả tình các khoản thu đầu năm học dồn vào một lúc rất dễ “gây ngộp” cho cha mẹ học sinh, nhất là những gia đình hoàn cảnh khó khăn, có nhiều con đi học. Đây chính là “nút thắt” trong việc vận động đóng góp giữa nhà trường và phụ huynh. Vấn đề là làm sao có sự hài hòa, hài lòng giữa đôi bên.

Nhìn lại, các khoản thu đầu năm học của nhà trường có thể chia làm 2 loại: thu bắt buộc và tự nguyện. Thu bắt buộc chính thức có các khoản: học phí, bảo hiểm y tế. Một số trường thì thêm vào các khoản: sổ liên lạc điện tử, giấy thi, thẻ học sinh… Tuy nhiên, mức thu của các khoản này nơi nhiều nơi ít, chính điều này gây bức xúc cho cha mẹ học sinh vì chưa được minh bạch. Thu tự nguyện thì mỗi nơi mỗi khác, chủ yếu là các loại quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh trường và lớp. Khoản thu này chính là nguyên nhân gây bức xúc trong phụ huynh, bởi phần lớn cách thu hiện nay ở các trường là “ấn” con số từ trên xuống mà thiếu sự thỏa thuận, bàn bạc và tự nguyện; khoản chi của quỹ thường có các khoản “nhạy cảm” như: bồi dưỡng giáo viên các dịp lễ, tết… mà không lấy ý kiến đồng thuận của người đóng góp. 

Cách thu các khoản đầu năm của các trường cũng thường “có vấn đề”: nhà trường và giáo viên chủ nhiệm thông báo với phụ huynh về các khoản tiền phải nộp, thiếu sự giải thích, thậm chí thiếu minh bạch.

Chính vì vậy, để tránh bức xúc nhà trường cần công khai, minh bạch tất cả các khoản thu đầu năm không chỉ tạo điều kiện trong việc quản lý của nhà trường mà còn tạo sự đồng thuận và giám sát thực hiện giữa nhà trường với phụ huynh học sinh; đồng thời qua đó hạn chế tình trạng lạm thu, sử dụng kinh phí sai mục đích. Với các khoản thu xã hội hóa, yếu tố quan trọng nhất là phụ huynh phải tự nguyện. Nhà trường cũng không nên “bổ đồng” bởi sẽ làm tăng gánh nặng cho các gia đình nghèo, mà giải pháp hữu hiệu nhất là vận động các cá nhân, doanh nghiệp đóng góp.

Hà Lam

Tin xem nhiều