Một sở có 1 giám đốc, 3 phó giám đốc, trong 7 tháng của năm 2017 phải tham dự 2 ngàn cuộc họp. Một sở khác, họp ít hơn nhưng cũng gần 1.500 cuộc.
Một sở có 1 giám đốc, 3 phó giám đốc, trong 7 tháng của năm 2017 phải tham dự 2 ngàn cuộc họp. Một sở khác, họp ít hơn nhưng cũng gần 1.500 cuộc.
Lạm họp đã không còn là chuyện riêng của một tỉnh, một ngành nào, câu chuyện này đã trở thành vấn nạn mà cả nước phải đối mặt. Còn nhớ, trước đây có vị cục trưởng của một bộ cho biết mỗi năm ông nhận được 4 ngàn giấy mời họp. Ông Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, có lần than bộ có 4 thứ trưởng mà bố trí đi họp không đủ. Có vị thường vụ một tỉnh một ngày nhận 20 giấy mời họp….
Họp quá nhiều như vậy thì còn đâu thời gian để giải quyết công việc? Vì vậy, sẽ không có gì lạ khi người dân nhiều lần đến cơ quan công quyền vẫn không thể giải quyết được công việc vì lãnh đạo bận “họp”.
Vì đâu xảy ra lạm họp khủng khiếp này? Có thể có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính vẫn là bộ máy quá cồng kềnh, quá nhiều cơ quan, đơn vị và ai cũng thấy mình quan trọng. Vì vậy mới có chuyện cơ quan, đơn vị nào khi tổ chức họp cũng muốn có lãnh đạo đến phát biểu để tăng thêm phần “long trọng”. Ai cũng mời như vậy thì cho dù lãnh đạo có “ba đầu sáu tay” cũng không thể dự hết. Cũng có nguyên nhân là có lãnh đạo chưa dám mạnh dạn quyết và chịu trách nhiệm về một vấn đề nào đó, nên tổ chức họp để lấy ý kiến tập thể nhằm đảm bảo an toàn. Nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay đầu mối công việc nhiều, chất lượng công chức hạn chế nên kéo theo chất lượng tham mưu cũng hạn chế. Để gỡ rối, nhiều nơi chọn giải pháp… họp.
Để giải quyết vấn nạn này cần triệt để đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức họp trực tuyến, thế nhưng đó vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề. Giải pháp về lâu dài và mang tính quyết định vẫn là đổi mới, sắp xếp, phân công hợp lý chức năng, nhiệm vụ các cơ quan trong hệ thống chính trị và tuyển dụng, thu hút được đội ngũ công chức thật sự có năng lực và trách nhiệm.
VŨ TRUNG KIÊN