Không phải mới đây mà từ nhiều năm trước đã có tình trạng một số doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tìm cách "loại" công nhân lớn tuổi bằng nhiều cách, như: viện cớ thu hẹp sản xuất để cho công nhân thôi việc, điều chuyển vị trí việc làm không phù hợp, gây khó khăn để công nhân tự nghỉ việc…
Không phải mới đây mà từ nhiều năm trước đã có tình trạng một số doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tìm cách “loại” công nhân lớn tuổi bằng nhiều cách, như: viện cớ thu hẹp sản xuất để cho công nhân thôi việc, điều chuyển vị trí việc làm không phù hợp, gây khó khăn để công nhân tự nghỉ việc… Các cơ quan chức năng của tỉnh đã “vạch mặt, chỉ tên” những chiêu trò vi phạm Bộ luật Lao động, bảo vệ quyền lợi người lao động. Nay, lại đến “chiêu” doanh nghiệp vận động công nhân tự nghỉ việc bằng cách chi trả một khoản tiền “hỗ trợ” đủ để người lao động quanh năm vất vả, thiếu thốn phải xiêu lòng.
Vì sao doanh nghiệp tìm cách “loại” lao động lớn tuổi? Câu trả lời rất đơn giản: vì lợi nhuận. Bởi lẽ, lao động lớn tuổi thường sức khỏe yếu, khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại thấp. Tuy nhiên, do có thâm niên làm việc lâu nên mức lương, phụ cấp của lao động lớn tuổi cũng như chế độ bảo hiểm xã hội người sử dụng lao động phải trả cao hơn. Điều này có thể đẩy chi phí sản xuất, hạch toán của doanh nghiệp lên cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. “Đẩy” được số lao động này đi, doanh nghiệp tuyển lao động mới trẻ khỏe, năng suất làm việc cao, lương khởi điểm thấp, chi phí đóng bảo hiểm xã hội thấp, mức chênh lệch này thừa sức bù đắp khoản chi trả cho lao động lớn tuổi nghỉ việc.
Về mặt pháp luật, cách làm này của doanh nghiệp không vi phạm; có vẻ sòng phẳng, “thuận mua vừa bán” với người lao động, nhưng thực tế là tạo tiền lệ và để lại nhiều hậu quả xấu cho đời sống xã hội.
Sau khi nghỉ việc, lao động lớn tuổi sẽ rất khó xin được việc làm mới, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp và về lâu dài sẽ đẩy tỷ lệ người thất nghiệp lên cao, đồng nghĩa với đời sống người lao động gặp khó khăn còn xã hội thì bất ổn, gia tăng đói nghèo cùng các hệ lụy khác. Khoản tiền được chi trả do nghỉ việc nếu không có kế hoạch sử dụng hợp lý, có thể một thời gian sau sẽ không còn, giống như tình trạng đã từng diễn ra đối với các hộ nông dân nhận tiền bồi thường giải tỏa, thu hồi đất. Không có việc làm, đời sống khó khăn, người lao động đã nghỉ việc hoặc trở thành lao động tự do phần lớn sẽ không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội nữa. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chính sách an sinh xã hội. Ấy là chưa kể đến việc số đông lao động nghỉ việc cùng lúc có thể dẫn đến nguy cơ “vỡ quỹ” bảo hiểm thất nghiệp.
Doanh nghiệp vì lợi nhuận nên “tính toán”, cũng không sai, nhưng không thể quên trách nhiệm với cộng đồng.
Cách đây nhiều thập niên, ở Nhật Bản cũng xảy ra tình trạng doanh nghiệp tìm cách sa thải lao động lớn tuổi. Người dân Nhật Bản đã phản ứng dữ dội khiến doanh nghiệp “vắt chanh bỏ vỏ” bị mất uy tín về thương hiệu, khó tìm được lao động. Ở nước ta tuy vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) chưa được chú trọng, nhưng thực tế cho thấy doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm với xã hội, trong đó có trách nhiệm với người lao động. Doanh nghiệp phớt lờ trách nhiệm xã hội, phát triển theo lối “ăn xổi ở thì”, nếu gặp thời điểm khó khăn sẽ rất khó tuyển dụng lao động.
Về phần người lao động, cần tỉnh táo để tránh bị cái lợi trước mắt dụ hoặc mà có thể gặp phải những khó khăn lớn hơn về sau, đồng thời biết nhận diện những chiêu trò “đuổi khéo” của doanh nghiệp để tự bảo vệ mình.
Hà Lam