Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - một trong những kiến trúc sư nổi tiếng lớn lên tại TP.Biên Hòa - trong một số hội thảo lẫn trao đổi riêng với Báo Đồng Nai - từng tỏ ý tiếc nuối vì với một con sông quá đẹp như sông Đồng Nai, đến nay vẫn chưa khai thác được nhiều xét về cả vẻ đẹp lẫn công năng.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - một trong những kiến trúc sư nổi tiếng lớn lên tại TP.Biên Hòa - trong một số hội thảo lẫn trao đổi riêng với Báo Đồng Nai - từng tỏ ý tiếc nuối vì với một con sông quá đẹp như sông Đồng Nai, đến nay vẫn chưa khai thác được nhiều xét về cả vẻ đẹp lẫn công năng.
Chẳng hạn, với mặt sông trải rộng, người ta có thể “tận dụng” để biến thành một “quảng trường nước” xinh đẹp giàu cảm xúc, lại là nơi bày biện được những hoạt động và lễ hội của cộng đồng trên sông nước. “Sông trong phố, phố ven sông” được coi là một yếu tố đắt giá mà Biên Hòa có được.
Chính vì vậy, nhiều tranh luận, hội thảo, ý kiến, dự định và thậm chí là cả dự án cụ thể… đã được đưa ra suốt nhiều năm qua. Và không chỉ có kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, nhiều kiến trúc sư tâm huyết lẫn chính quyền, doanh nghiệp… cũng từng muốn góp ý, góp tay về việc làm sao để kiến tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai vừa đẹp, vừa có ích cho cộng đồng mà không ảnh hưởng đến dòng sông. Song đến lúc này, hầu như vẫn chưa có phương án nào được triển khai.
Vậy nên, một thực tế không thể chối cãi là khu vực ven sông Đồng Nai, xét ở đoạn đắt giá nhất là đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát, vẫn là khu vực không có gì đặc biệt, không có điểm nhấn nào nổi bật ngoài con đường ven sông Nguyễn Văn Trị được cải tạo cách đây đã lâu và đang dần trở nên chật chội. Mé sông khu vực địa phận các phường Bửu Long, Bửu Hòa, Tân Vạn, xã Tân Hạnh vẫn chỉ là những bờ sông hoang sơ đầy rác, nơi những hàng quán, những bãi khai thác cát lộ thiên “cát cứ” nhiều năm nay.
Thực ra, tạo nên, giữ vững và thực hiện một quy hoạch xứng tầm có cái nhìn dài hạn để khai thác và tạo hồn cho một đô thị có dòng sông đẹp chảy qua là điều không dễ, nó đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố ngân sách. Trong khi nhu cầu chi tiêu của một đô thị đang “phình” lên về dân cư là rất lớn.
Ngân sách ít ỏi phải phân bố cho hạ tầng, thoát nước, y tế, giáo dục… và hàng trăm nhu cầu khác, do đó các dự án để khai thác và tôn tạo dòng sông cũng phải chờ đợi như bao dự án khác. Thậm chí, chưa nói đến việc biến khu vực ven sông thành một đô thị sông nước có tầm vóc, việc lo đủ chi phí để nâng cấp đường sá ven sông thôi cũng khiến nhà chức trách đau đầu.
Hiện tại, TP.Biên Hòa đang triển khai 2 dự án đường ven sông Cái và đường ven sông Đồng Nai, song cả 2 đều gặp khó về ngân sách. Do đó, Biên Hòa đang kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), BT quỹ đất (đổi đất lấy công trình).
Hai dự án này có mức vốn không hề nhỏ, tính toán của các nhà đầu tư tổng số vốn trên 5 ngàn tỷ đồng và đang được các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất đầu tư theo quy định. Lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa cho biết họ kỳ vọng 2 dự án này sẽ đóng vai trò “đòn bẩy” cho khu vực ven sông phát triển mạnh hơn khi hạ tầng đã thông thoáng.
Có lẽ ai cũng muốn thật nhanh chóng thực hiện các dự án cải tạo cảnh quan ven sông, muốn biến khu vực ven sông Đồng Nai thành một tiểu đô thị giữa lòng Biên Hòa xanh mướt, hài hòa với không gian chung, hài hòa với các công trình hiện hữu.
Nhưng, thực sự cho đến nay các dự án vẫn đang được thực hiện từng bước, chưa thể tạo ra điểm nhấn nào ấn tượng. Hy vọng những khó khăn về tài chính, cơ chế, quy hoạch, kiến trúc… sớm được chính quyền tháo gỡ để đô thị ven sông sớm nên vóc, nên hình.
Vi Lâm