Báo Đồng Nai điện tử
En

Cổ phần hóa và tính minh bạch

10:09, 25/09/2017

Một khu đất được bán với giá 84 tỷ đồng, chỉ 2 năm sau, nó đã được chuyển nhượng cho người khác với giá... 581,5 tỷ đồng. Đó chỉ là một trong rất nhiều khu đất "vàng" của Đà Nẵng đã bị điểm mặt. Ngoài ra, còn hàng loạt tài sản khác đã được sang đi, bán lại mà không qua đấu giá.

Một khu đất được bán với giá 84 tỷ đồng, chỉ 2 năm sau, nó đã được chuyển nhượng cho người khác với giá... 581,5 tỷ đồng. Đó chỉ là một trong rất nhiều khu đất “vàng” của Đà Nẵng đã bị điểm mặt. Ngoài ra, còn hàng loạt tài sản khác đã được sang đi, bán lại mà không qua đấu giá.

Tài sản của Nhà nước chính là tài sản của nhân dân. Đó là tài sản chung của đất nước, của mọi người dân Việt Nam, là công sức đóng góp hàng ngày, hàng giờ của mỗi công dân. Từ những vụ việc bán đất công đến cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, một câu hỏi nhức nhối đặt ra: đã có bao nhiêu tài sản của nhân dân rơi vào túi tư nhân và ai là người tiếp tay, ai hưởng lợi trong các thương vụ này?

Còn nhớ, sau khi Liên Xô sụp đổ, ở nước Nga đã xuất hiện hàng loạt nhà tài phiệt, rất nhiều các tỷ phú mà trong số đó nhiều người đã mua được tài sản của nhà nước bán đổ bán tháo như cho không. Những năm gần đây, trong các văn kiện của Đảng, trên diễn đàn Quốc hội, một thuật ngữ mới được nhắc tới là tham nhũng bằng chính sách. Có thể chỉ cần một điều chỉnh rất nhỏ của cơ quan công quyền đã tạo kẽ hở rất lớn cho tham nhũng kiểu này, mà những vụ việc cụ thể ở Đà Nẵng báo chí đã chỉ ra là ví dụ. Chỉ đơn cử một ví dụ, nếu một khu đất quy hoạch để cho mục đích hội chợ chẳng hạn thì giá bán sẽ rất rẻ. Nhưng nếu có đại gia nào đó thâu tóm và được điều chỉnh trở thành đất ở thương mại thì giá đất có thể tăng gấp hàng chục lần. Ngoài ra, việc bán công sản không thông qua đấu giá công khai thì định giá bao nhiêu cũng không sao.

Gần đây, một vụ việc được dư luận rất quan tâm là Tập đoàn bất động sản Tân Hoàng Minh đã đấu giá thành công khu đất vàng tại 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.Hồ Chí Minh với giá 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần mức giá khởi điểm qua 13 vòng đấu giá công khai với 11 doanh nghiệp bất động sản khác. Đây được xem là vụ việc điển hình về tính minh bạch trong việc bán tài sản Nhà nước. Thế nhưng, cả nước đâu chỉ mỗi có khu đất này. Người dân luôn tự hỏi những khu đất vàng, những khu nhà thương mại cao cấp mọc lên khắp chốn cùng nơi đã được các cơ quan nhà nước công khai đấu giá khi nào? Những ai đã tham gia đấu giá? Ai là người trả giá cao nhất và giá bán cuối cùng là bao nhiêu? Số tiền bán được đã được sử dụng cho mục đích gì?

Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước”. Trước đó, ngày 28-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg “Về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, Nhà nước sẽ thoái vốn và cổ phần hóa từ 748 doanh nghiệp hiện nay xuống còn 240 doanh nghiệp Nhà nước vào năm 2020, trong đó chỉ còn lại 103 doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ.

Trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn ấy, nếu quy trình không được tiến hành công khai, minh bạch tất sẽ dẫn tới hệ quả là tài sản của Nhà nước, của nhân dân sẽ tiếp tục chảy vào túi tư nhân. Điều này không chỉ làm thất thoát những nguồn lực khổng lồ của đất nước mà còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào tính minh bạch của hệ thống công quyền.

Hồng Phúc

 

Tin xem nhiều