Báo Đồng Nai điện tử
En

Chắp cánh cho "đầu tàu"

10:09, 27/09/2017

Chiếm 40% GDP và đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia là những lợi thế đầu tiên có thể nói về vùng Đông Nam bộ, với 6 địa phương bao gồm TP.Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Đồng Nai,  Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Chiếm 40% GDP và đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia là những lợi thế đầu tiên có thể nói về vùng Đông Nam bộ, với 6 địa phương bao gồm TP.Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Đồng Nai,  Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Tuy nhiên, tính liên kết chưa cao, chưa có chính sách chung thống nhất để phát huy lợi thế của vùng, chưa tạo được điểm nhấn trong tăng trưởng, các kết nối giữa các địa phương trong vùng còn rời rạc… là những điểm yếu mà các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chỉ ra khá thẳng thắn tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam bộ lần II-2017 với chủ đề: Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng. Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế trung ương, đánh giá vùng Đông Nam bộ về cơ bản vẫn chưa chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng với giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại như kỳ vọng của Chính phủ. Giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển chưa thực sự kết nối tốt, chưa hiện đại, chi phí cao. Đó là chưa kể chất lượng đô thị còn thấp, các khu công nghiệp chồng chéo về chức năng; các trung tâm đô thị trong vùng kém kết nối cả về giao thông, chức năng kinh tế, dịch vụ xã hội. Do đó, so với các vùng kinh tế khác của Việt Nam, vùng Đông Nam bộ vượt trội hơn hẳn song vẫn chưa trở thành đầu tàu cả nước, có nhiệm vụ hỗ trợ và tạo động lực cho các vùng kinh tế khác.

Nhiều chuyên gia tại diễn đàn đã nhìn nhận và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho vùng kinh tế Đông Nam bộ. Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng có rất nhiều việc cần làm, như: kết nối các dự án giao thông, phân bố nguồn lực, tạo nên các chương trình liên kết phát triển theo ngành nghề, địa phương, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển… Tuy nhiên, cần nhất vẫn là một hội đồng vùng có thực lực, có cơ chế hoạt động và những ưu tiên riêng về mặt phân quyền để xem xét và đưa ra được những quyết sách sớm, sát sườn với thực tế và có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các quyết sách đó. Nhiều phân tích cho thấy mặc dù có hội đồng vùng kinh tế trọng điểm, ban chỉ đạo… nhưng các tổ chức này hoạt động kém hiệu quả do thiếu cơ chế có hiệu lực để thực thi các quyết sách được thống nhất. Bên cạnh đó, giữa các tỉnh, thành còn thiếu sự phối hợp, thậm chí cạnh tranh nhau về chính sách, hệ thống dịch vụ công... làm chậm hình thành nên một không gian kinh tế vùng thống nhất. Càng sớm có sự thay đổi về mặt này, vùng kinh tế Đông Nam bộ càng sớm có chuyển biến tốt.

Tại diễn đàn, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra đề xuất, trong thời gian tới TP.Hồ Chí Minh sẽ được đề xuất làm chủ tịch hội đồng vùng, sẽ đóng vai trò dẫn dắt và không có sự lựa chọn nào tốt hơn.

Chính sự phát triển của TP.Hồ Chí Minh sẽ tạo nên trung tâm lan tỏa trong khu vực. Phương châm quan trọng trong phát triển kinh tế vùng chính là “cùng thắng”. Mà muốn “cùng thắng” thì phải xử lý được mối quan hệ giữa trung tâm và vệ tinh, giữa việc hội tụ và lan tỏa trong sự phát triển chung của khu vực. Hội đồng vùng càng sớm hình thành và hoạt động hiệu quả dưới các cơ chế giám sát phù hợp với pháp luật, “đầu tàu” càng sớm cất cánh và hỗ trợ ngược lại cho các vùng kinh tế khác.

Vi Lâm

Tin xem nhiều