Thông thường, những lĩnh vực đầu tư mang tính công ích xã hội cao như: nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay các công trình công cộng, Nhà nước thường có những hỗ trợ nhất định về chính sách đất đai, thuế, hạ tầng... để doanh nghiệp tham gia hào hứng hơn, coi như một phần bù đắp cho những "thiệt thòi" khi đầu tư vào đó thay vì kiếm lợi nhuận ở những lĩnh vực khác.
Thông thường, những lĩnh vực đầu tư mang tính công ích xã hội cao như: nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay các công trình công cộng, Nhà nước thường có những hỗ trợ nhất định về chính sách đất đai, thuế, hạ tầng... để doanh nghiệp tham gia hào hứng hơn, coi như một phần bù đắp cho những “thiệt thòi” khi đầu tư vào đó thay vì kiếm lợi nhuận ở những lĩnh vực khác.
Mặc dù vậy, những ưu đãi đó cũng không thể đi chệch quá nhiều so với những nguyên tắc và quy định chung, do đó đầu tư nhà ở công nhân dù để bán hay cho thuê cũng là một bài toán chi phí và lợi nhuận mà doanh nghiệp nào cũng cần tính toán.
Chính vì vậy, sau một thời gian kêu gọi và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, tiến độ thực tế vẫn chưa như mong muốn. Doanh nghiệp thì chần chừ với nhiều lý do: quỹ đất eo hẹp nên chi phí đất đai cao, xây các block nhà cần nhiều vốn, vốn vay từ ngân hàng lãi suất cao nên khó tính lợi nhuận ngắn hạn… Trong khi đó, chính quyền cũng không thể “phá rào” để hỗ trợ nhiều hơn những gì đã thành nguyên tắc trong các quy định chung. Có lẽ vì thế, dù cho Đồng Nai đã quy hoạch 20 dự án nhà ở công nhân với diện tích hơn 200 hécta để mời gọi nhà đầu tư, nhưng ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Có những nơi đã có sẵn đất sạch nhưng chưa có nhà đầu tư.
Hiện tại, trên nửa triệu công nhân đang sống và làm việc tại Đồng Nai hầu hết vẫn đang ở trong các khu nhà trọ chật hẹp, thiếu tiện nghi, thiếu không gian sống. Con số này trên cả nước là khoảng gần 3 triệu người và sẽ tăng lên trên 4 triệu người trong vài năm tới (nguồn: số liệu ước tính từ Bộ Xây dựng). Như vậy, nhu cầu nhà ở có thể lên đến hàng chục triệu mét vuông. Tuy vậy, việc có nhà đầu tư để thực hiện hay không còn là một câu hỏi lớn. Nhìn lại, ngay từ năm 2005 Luật Nhà ở đã có những chính sách khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư vào mảng này đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng nếu chỉ cho thuê và thuê mua thì thời gian thu hồi vốn rất dài, khả năng sinh lợi thấp. Trong khi đó Nhà nước chưa có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, thuế, đất đai đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà cho công nhân ở các khu công nghiệp.
Về phía công nhân - đối tượng mà cả chính quyền lẫn doanh nghiệp hướng đến - vẫn còn những khúc mắc về nhu cầu và thói quen góp phần làm cho thị trường nhà ở công nhân chậm phát triển. Thực tế cho thấy không ít công nhân chọn thuê nhà trọ bên ngoài thay vì ở tại các block nhà đạt chuẩn của doanh nghiệp xây dựng, bởi nhiều lý do: giá cao hơn nếu ở đúng số người và diện tích quy định, hạn chế nấu nướng trong phòng, giờ giấc nghiêm ngặt, sinh hoạt theo quy định và lề lối chung…
Đó cũng là những nguyên nhân góp phần khiến việc sắp xếp nhà ở cho lực lượng công nhân đông đảo trên cả nước thời gian qua gặp khó, chứ không riêng gì những khó khăn nội tại mà doanh nghiệp hay chính quyền đang gặp phải.
Mặc dù vậy, chính quyền và doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tháo gỡ bớt những khó khăn để thu hút đầu tư vào thị trường nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trong thời gian tới. Đó không chỉ là lợi ích mà còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trong việc hỗ trợ Nhà nước giảm thiểu những khó khăn về quản lý xã hội, đồng thời giữ chân người lao động.
VI LÂM