Báo Đồng Nai điện tử
En

Con người là cốt lõi

10:08, 16/08/2017

Daikan là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật Bản thành công trong lĩnh vực sản xuất và thiết kế đèn LED và bảng hiệu, xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Daikan là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật Bản thành công trong lĩnh vực sản xuất và thiết kế đèn LED và bảng hiệu, xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Daikan thành lập công ty tại Việt Nam năm 2010 và chỉ sau đó 2 năm, người Nhật đã chuyển giao toàn bộ kỹ thuật và công nghệ sản xuất cho lao động Việt Nam, phía Nhật Bản chỉ chịu trách nhiệm rót vốn vào để sản xuất, kinh doanh.

Vị tổng giám đốc người Việt của Daikan cho biết khâu thiết kế sản phẩm - khâu được cho là khó nhất trong quy trình sản xuất - thì các kỹ sư, chuyên gia người Việt tiếp cận và làm rất tốt không thua kém gì các kỹ sư, chuyên gia của Nhật Bản.

Câu chuyện của Daikan là một trong những ví dụ sinh động về việc các doanh nghiệp FDI sau một thời gian bén rễ, đã có sự chuyển giao công nghệ, tri thức, kỹ thuật… cho lao động Việt Nam.

Khảo sát cho thấy, ngày càng có nhiều các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai để người Việt Nam nắm giữ các vị trí chủ chốt và nhận chuyển giao tri thức, công nghệ mới, điều mà trước đây chỉ có các nhân sự người nước ngoài mới có được. Đây là tín hiệu đáng mừng xét trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là khía cạnh bồi dưỡng con người và nâng chất cho lao động Việt Nam.

Thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, hiện lao động Việt trong các doanh nghiệp FDI chiếm gần 90%. Nhiều nhà đầu tư FDI chỉ còn chịu trách nhiệm rót vốn vào để sản xuất, kinh doanh, riêng các lĩnh vực khác, như: nhân sự, công nghệ, kỹ thuật… đã được giao lại cho các cộng sự Việt Nam chịu trách nhiệm.

Dĩ nhiên, ở bình diện chung, các doanh nghiệp FDI vẫn giữ thương hiệu, doanh thu, lợi nhuận, thị trường… riêng của họ và điều này là không cần bàn cãi. Vậy, phía Việt Nam “được” điều gì qua sự chuyển giao này? Đó chính là những lợi ích dài lâu: tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết và nắm bắt công nghệ mới… mà chỉ ở trong những môi trường quốc tế chuyên nghiệp thực sự mới có thể có được.

Trong thời đại mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “đe dọa” lấy đi việc làm của hàng triệu lao động, thì việc nâng cấp chất lượng nguồn lao động, rất bức thiết. Cuộc cách mạng 4.0 với tất cả những ưu điểm của nó đang đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực tinh gọn, giỏi giang, nắm bắt nhanh mà những quốc gia bước vào sân chơi toàn cầu chậm hơn, như: Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Ấn Độ… có phần yếu thế, thiệt thòi hơn.

Ý thức được điều này, lao động Việt Nam (bao gồm cả lao động phổ thông lẫn lao động tri thức) sẽ có sự chủ động nhiều hơn trong học hỏi, rèn luyện và sẵn sàng tiếp nhận các cơ hội chuyển giao.

Ở góc độ chính sách, sự chọn lọc trong thu hút đầu tư cũng sẽ là nền tảng tốt cho việc nâng cấp hàm lượng công nghệ, tri thức lẫn kỹ thuật cho nguồn lao động nói chung. Khi có các dự án công nghệ cao, ắt hẳn sau chuyển giao, lao động Việt Nam sẽ lên bậc trong mắt nhà đầu tư và tính cạnh tranh sẽ cao hơn.

Đồng Nai đã chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có trình độ công nghệ cao, trong nhiều mục đích chung của chính sách này, cũng bao hàm mục đích nâng chất cho nguồn lao động, tập trung vào yếu tố con người.

VI LÂM

Tin xem nhiều