Báo Đồng Nai điện tử
En

BOT và tính minh bạch

10:08, 21/08/2017

Chuyện ầm ĩ ở trạm thu phí BOT đường tránh Cai Lậy (Tiền Giang) là hệ quả tất yếu của sự "ấm ức kéo dài" về việc không rõ ràng, thiếu minh bạch đối với nhiều dự án BOT cầu đường trong cả nước, trước đó là trạm thu phí BOT Bến Thủy (Nghệ An) và nhiều trạm thu phí tuyến đường tránh khác nằm trên các quốc lộ  "yết hầu".

Chuyện ầm ĩ ở trạm thu phí BOT đường tránh Cai Lậy (Tiền Giang) là hệ quả tất yếu của sự “ấm ức kéo dài” về việc không rõ ràng, thiếu minh bạch đối với nhiều dự án BOT cầu đường trong cả nước, trước đó là trạm thu phí BOT Bến Thủy (Nghệ An) và nhiều trạm thu phí tuyến đường tránh khác nằm trên các quốc lộ  “yết hầu”.

Thời gian qua, có quá nhiều bất hợp lý về các dự án BOT cầu đường đã phát sinh không ít hoài nghi về việc “chạy dự án”  cũng như liên minh tay 3 giữa nhà đầu tư, chính quyền địa phương và Bộ Giao thông - vận tải(?). Thực tế cho thấy, nhiều quy tắc, quy định trong việc thực hiện dự án BOT dường như bị thả lỏng như sửa chữa, nâng cấp đường cũ song thu phí đầu tư làm đường mới, khoảng cách trạm thu phí cách nhau 70 km bị “phá vỡ”, làm tuyến đường tránh nơi này nhưng đặt trạm thu phí nơi khác (thông thường nằm trên quốc lộ). Chỉ trong vài năm,  trạm thu phí BOT trong cả nước mọc lên như nấm, chỉ tính trên quốc lộ 1 từ Bắc vào Nam có gần 40 trạm thu phí. Có tỉnh, trạm thu phí BOT của doanh nghiệp trung ương và BOT doanh nghiệp địa phương trấn mọi ngả đường. Dư luận cũng cho rằng các dự án BOT đều có “góc khuất” bởi hầu hết các dự án BOT đều được chỉ định thầu và trong các hợp đồng BOT đều kèm theo một điều khoản bảo mật. Theo đó, các bên không được tiết lộ những thông tin nội dung liên quan của hợp đồng và dự án, trong đó có phương án về kỹ thuật  và tài chính. Người dân tham gia lưu thông không có sự lựa chọn nào khác, đành phải miễn cưỡng nộp tiền khi đi qua các trạm thu phí BOT mà không có bất kỳ thông tin nào về dự án và mức phí phải nộp.  Làm cầu đường theo hình thức BOT mà người dân phải gánh chịu chi phí đầu tư thì có gì phải bí mật ? Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, cho rằng: “BOT là dạng hợp đồng hành chính công phục vụ cho lợi ích Nhà nước và người dân. Quản lý hành chính công không thể bảo mật được, nó không phải là an ninh quốc gia, quốc phòng phải giữ bí mật. Việc duy trì bảo mật trong hợp đồng BOT là điều cực kỳ phi lý, cần được bãi bỏ” (Dân trí ngày 17-8-2017)

BOT cũng có thể là cứu cánh cho nên nhiều doanh nghiệp chạy dự án. Thông tin ban đầu cho biết qua kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông - vận tải đã thực hiện điều chỉnh giảm tổng thời gian thu phí của 13 dự án BOT lên tới hơn 90 năm! Trong đó có dự án BOT Tào Xuyên(Thanh Hóa) đã giảm thời gian thu phí đạt “ kỷ lục” từ 27 năm 8 tháng xuống còn 7 năm 7 tháng và dừng thu phí từ ngày 10-8-2017 vì đã thu hồi quá số vốn đầu tư. Dự án cầu Rạch Miễu(Bến Tre) giảm thời gian thu hồi vốn dự tính ban đầu từ 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 5 tháng. Dự án cầu Đồng Nai mới và 2 tuyến đầu cầu cũng giảm 8 năm 7 tháng…

Trong khi ngân sách còn eo hẹp thì chủ trương huy động các nguồn lực vốn xã hội đầu tư làm dự án BOT để phát triển, mở mang cầu đường là hoàn toàn đúng đắn (nhiều quốc gia khác cũng làm BOT), nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Thế nên, để tránh biến tướng dự án BOT thành “con gà đẻ trứng vàng” phục vụ cho lợi ích nhóm, bất chấp thiệt hại cho người dân tham gia giao thông vì phải gánh chi phí bất hợp lý, tạo ra những bất bình và hoài nghi trong dư luận thì rất cần sự minh bạch, rõ ràng khi thực hiện dự án BOT. Hơn ai hết, Bộ Giao thông - vận tải phải chịu trách nhiệm về sự giám sát, kiểm tra  và công khai các dự án BOT này.

Xuân Phú

Tin xem nhiều