Lâu nay, các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành phát triển mạnh về kinh tế vẫn loay hoay với bài toán bảo tồn hay phát triển.Những lùm xùm xoay quanh dự án xây dựng khu du lịch tại khu vực đồi Vọng Cảnh (tỉnh Thừa Thiên - Huế), hay mới đây nhất là dự án xây dựng khu du lịch ở bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) là minh chứng cho sự "bối rối" trong xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế.
Lâu nay, các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành phát triển mạnh về kinh tế vẫn loay hoay với bài toán bảo tồn hay phát triển.Những lùm xùm xoay quanh dự án xây dựng khu du lịch tại khu vực đồi Vọng Cảnh (tỉnh Thừa Thiên - Huế), hay mới đây nhất là dự án xây dựng khu du lịch ở bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) là minh chứng cho sự “bối rối” trong xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế. Nguyên nhân của sự mâu thuẫn xuất phát từ nhận thức lệch lạc, quá coi trọng việc phát triển kinh tế, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết mà bỏ rơi yếu tố bảo tồn văn hóa; từ sự cực đoan giữa bảo tồn văn hóa, cái gì cũng muốn giữ lại và phát triển kinh tế lúc nào cũng muốn “đập mặt xây lại”.
Thực tế cho thấy, nếu giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa thì các yếu tố văn hóa không chỉ không cản trở, mà còn hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế. Ngôi làng cổ Oshino Hakkai nằm ở chân núi Phú Sĩ (Nhật Bản) với lịch sử phát triển hơn 300 năm - tương đương với cù lao Phố ở Đồng Nai, được bảo tồn nguyên vẹn từ kiến trúc cho đến sinh hoạt của người dân đã trở thành điểm du lịch rất nổi tiếng. Đây là bài học cần chiêm nghiệm trong quy hoạch phát triển cù lao Phố sắp tới.
Nhiều năm nay, cù lao Phố là nỗi đau đáu của những người yêu quý, có tâm huyết với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Bởi so với quá khứ huy hoàng “lầu quán rực rỡ, liền lạc 5 dặm, đường lớn lót đá trắng, đường ngang lót đá ong, đường nhỏ lót đá xanh; người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau” cách đây mấy trăm năm, thì cù lao Phố hiện đang bị lãng quên, không “có chỗ đứng” trong sự phát triển của thành phố công nghiệp Biên Hòa, thậm chí đang đứng trước nguy cơ bị “băm nát” bởi những xây dựng tủn mủn do thiếu quy hoạch tổng thể.
Những năm qua, nhiều nhà đầu tư dù rất thích vị thế của cù lao Phố, nhưng vẫn chùn tay bởi không giải được bài toán bảo tồn hay phát triển. Cù lao Phố là vùng đất rất đặc biệt, trên một diện tích nhỏ mà có quá nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Đại Giác, chùa Hoàng Ân, chùa Ông, chùa Chúc Thọ, đình Bình Quan… Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh từng nhận xét mật độ chùa, đình, mộ cổ ở cù lao Phố cao nhất Nam bộ. Vì thế, “đề bài” phát triển cù lao Phố của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai qua các thời kỳ đều là phải bảo tồn cho được các di tích để giữ bản sắc văn hóa của vùng đất thiêng liêng này, trong khi mong muốn của nhà đầu tư là tăng diện tích xây dựng càng nhiều càng tốt để đảm bảo lợi nhuận. Không giải quyết được bài toán này, bao năm qua cù lao Phố tiếp tục làm “công chúa ngủ trong rừng”.
Nhưng có quá khó để giải bài toán này không? Tôi cho rằng vẫn có cách giải quyết hài hòa.
Cù lao Phố không nên phát triển như các đô thị hiện đại mà cần nhắm đến mục tiêu phát triển theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, phát triển thành đô thị sinh thái đặc thù, lấy chữ AN làm cốt lõi triết lý (an toàn, an bình, an lạc, an tịnh, an khang), trong đó yếu tố thiêng của vùng đất cần được giữ gìn để cư dân “an” về mặt tâm linh. Hệ sinh thái, mảng xanh với cảnh quan ruộng vườn, hệ thực vật lâu đời; những lợi thế về giao thông đường thủy, đường bộ; không gian kiến trúc làng xã, đời sống sinh hoạt… cũng cần được đánh giá đúng tiềm năng, tận dụng tối đa để tạo bản sắc riêng, để cù lao Phố trở thành “thành phố đáng sống”.
Mong muốn thì nhiều, câu hỏi đầu tiên là tiền đâu để đầu tư cù lao Phố theo mục tiêu ấy? Xin thưa, nói như nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, tiền đến từ “bá tánh”. Nếu như cù lao Phố giữ vững định hướng phát triển giữ gìn bản sắc như trên, sẽ là “vùng đất vàng”, giá trị cộng thêm là rất lớn. Đó chính là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư.
PGS.TS Huỳnh Văn Tới