Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng tạo cần sự đãi ngộ

10:07, 19/07/2017

Trong tất cả hoạt động từ hành chính, văn phòng cho đến sản xuất, kinh doanh, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật luôn có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và nâng cao hiệu quả công việc.

Trong tất cả hoạt động từ hành chính, văn phòng cho đến sản xuất, kinh doanh, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật luôn có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và nâng cao hiệu quả công việc.

Nông dân Lê Công Thành ở xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) được UBND tỉnh tuyên dương với sáng kiến “Xe sạ rau các loại”.
Nông dân Lê Công Thành ở xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) được UBND tỉnh tuyên dương với sáng kiến “Xe sạ rau các loại” (ảnh: Tư liệu)

Ông Kaizen Masaaki Imai - một nhà tư vấn Nhật Bản nổi tiếng trong lĩnh vực quản lý chất lượng, được biết đến với thuyết quản lý chất lượng, còn được gọi là phương pháp Kaizen - luôn nhấn mạnh, các nhà quản lý cần khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và cần có những chính sách khen thưởng và đãi ngộ hợp lý.

Đồng Nai là địa phương hình thành nền công nghiệp từ rất sớm và từ đó đến nay không ngừng phát triển. Trong sự tăng trưởng đó, không thể thiếu động lực từ các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo với các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người lao động. Chỉ tính riêng trong năm 2016, toàn tỉnh có 2.461 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất… làm lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên 210 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong thực tế, những doanh nghiệp, người lao động có sáng kiến, cải tiến được tuyên dương trong phong trào thi đua yêu nước nhiều năm qua của tỉnh phần lớn là các doanh nghiệp khối trong nước, các doanh nghiệp khối đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ lệ rất ít trong khi những sáng kiến, cải tiến của người lao động thuộc khu vực này không hề kém cạnh, thậm chí rất lớn.

Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp FDI có chế độ khen thưởng người lao động thực hiện sáng kiến, cải tiến tính theo tỷ lệ phần trăm lợi ích mà sáng kiến mang lại, nên giá trị về vật chất khá lớn, dẫn đến sức động viên cao.

Trong khi đó, Nghị định 13/2013 về khen thưởng sáng kiến quy định: mức thù lao cho tác giả được áp dụng tối thiểu là 7% tiền làm lợi thu được mỗi năm, thời hạn được hưởng thù lao là 3 năm đầu tiên áp dụng sáng kiến; hoặc tối thiểu 15% giá chuyển giao; hoặc được thưởng tối thiểu là 5 lần mức lương cơ bản chung.

Chính vì vậy, cho đến nay giá trị khen thưởng cho các sáng kiến, cải tiến của các doanh nghiệp trong nước vẫn mang ý nghĩa động viên tinh thần là chính, chưa “thuyết phục” về mặt vật chất. Bên cạnh đó, để được khen thưởng người lao động có sáng kiến phải thực hiện các thủ tục rườm rà, phức tạp, trong đó nhất thiết phải có đơn “xin”.

Trong buổi tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh đến vấn đề này: “Người tốt thì họ có lòng tự trọng, không đi xin được khen mà chính chúng ta phải đến tìm họ để khen, biểu dương kịp thời với hình thức thích hợp”. Nhưng cho đến nay, cơ chế “xin - cho” trong khen thưởng vẫn tồn tại như một thói quen khó sửa, khó bỏ.

Một vấn đề khác, theo quy định công chức, viên chức muốn được công nhận mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có một đề tài, sáng kiến, cải tiến. Trong thực tế không phải ai cũng có thể có sáng kiến, cải tiến dù rằng rất giỏi trong lĩnh vực được giao, từ đó đã nảy sinh tình trạng “copy”, “cải tạo” sáng kiến, nhất là ở lĩnh vực giáo dục.

Nói cho cùng, đây chính là “bệnh hình thức” trong phong trào thi đua. Cái mà xã hội cần chính những sáng tạo, đổi mới để thúc đẩy phát triển, tăng hiệu quả công việc chớ không phải những “chỉ tiêu” sáng kiến, chính vì vậy hãy trả những sáng kiến, cải tiến về đúng bản chất của sự sáng tạo.

Hà Lam

 

Tin xem nhiều