Thời đại khoa học công nghệ phát triển, chỉ cần một cái vuốt nhẹ trên điện thoại, thông tin khắp nơi thế giới hiện ra, vô cùng phong phú và đa dạng.
Thời đại khoa học công nghệ phát triển, chỉ cần một cái vuốt nhẹ trên điện thoại, thông tin khắp nơi thế giới hiện ra, vô cùng phong phú và đa dạng.
Trong “mớ” thông tin hỗn độn ấy, tốt có, xấu có và thật khó để xác định đâu là giới hạn của thông tin khi người dân có thể thoải mái tiếp cận, đọc, xem, bình phẩm. Cái tốt, cái đẹp từ đây được lan tỏa, nhân rộng nhưng bên cạnh đó cũng không ít thông tin bôi nhọ chế độ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vu khống, đặt điều... tràn lan, khó kiểm soát.
Nhiều vụ việc rất nhỏ nhưng khi đăng tải trên mạng xã hội đã trở thành vấn đề lớn, gây bức xúc một cách rộng rãi mà người bức xúc nhiều khi chỉ là do a dua, không hiểu bản chất của vấn đề. Những lúc như thế, công tác định hướng dư luận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Và không ai làm tốt hơn nhiệm vụ này chính là ngành tuyên giáo.
Ngành tuyên giáo được Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao cho những trọng trách hết sức vẻ vang, trong đó có nhiệm vụ tham mưu, định hướng về tư tưởng và dự báo tình hình. Thực tế của đất nước cho thấy ngành đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Từ giai đoạn chiến tranh đến thời bình, nhờ định hướng của ngành tuyên giáo, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đều thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Nhiều phong trào mang ý nghĩa lấy cái đẹp dẹp cái xấu đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, xuất hiện thật nhiều tấm gương học Bác được biểu dương, nhân rộng. Những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng được phát hiện và có những giải pháp ngăn chặn.
Thế nhưng, xã hội đang ngày một thay đổi mạnh mẽ, việc định hướng tư tưởng cán bộ đảng viên và nhân dân không còn là chuyện dễ dàng, đòi hỏi ngành tuyên giáo phải bắt kịp xu hướng, không thể dừng lại, bằng lòng với những gì đã đạt được.
Không phải ngẫu nhiên khi sinh thời, Bác Hồ đã đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải có phong cách đi sâu, đi sát cơ sở để tìm hiểu, đánh giá đúng thực chất tình hình của địa phương, đơn vị. Từ đó, phát hiện những vấn đề mới, nhân tố mới, những điển hình tốt để biểu dương, nhân rộng đồng thời vạch ra những hiện tượng, biểu hiện sai trái để phê phán, uốn nắn. Cán bộ tuyên giáo phải đi trước, đi cùng là vì thế.
Yêu cầu đặt ra cho ngành tuyên giáo nói chung và cán bộ tuyên giáo nói riêng trong giai đoạn hiện nay chính là tinh thần đổi mới, năng động, nhanh nhạy và kịp thời. Nói như đồng chí Thái Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, là ngành tuyên giáo và cán bộ tuyên giáo không thể lạc hậu được. Bởi nếu lạc hậu sẽ không hoàn thành được vai trò, nhiệm vụ của mình, mà một khi đã lạc hậu sẽ không thuyết phục, định hướng được ai. Uy tín, hoạt động của Đảng từ đó cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Minh Ngọc