Đổi đất lấy hạ tầng vốn được xem là sáng kiến của Bà Rịa - Vũng Tàu từ hơn 20 năm trước, trong bối cảnh ngân sách không đủ chi cho nhu cầu phát triển hạ tầng của địa phương.
Đổi đất lấy hạ tầng vốn được xem là sáng kiến của Bà Rịa - Vũng Tàu từ hơn 20 năm trước, trong bối cảnh ngân sách không đủ chi cho nhu cầu phát triển hạ tầng của địa phương. Điều này được hiểu nôm na là địa phương dùng quỹ đất để đổi lấy công trình do doanh nghiệp bỏ tiền làm, đất thường là ở 2 bên con đường đó hoặc ở một vị trí có giá trị tương đương.
Cách làm này trên thực tế từng gây khá nhiều tranh cãi, bởi có khá nhiều khoảng “hở” trong quá trình thực hiện. Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ: đất là đất nào? Ai định giá? Giá đất dùng để đổi lấy công trình được xác định dựa trên cơ sở nào?... Để tránh bớt phát sinh tiêu cực, đã có thêm quy định phải đấu giá quỹ đất sau khi phê duyệt quy hoạch cùng các quy định liên quan, mà mới nhất là trong Luật Đất đai 2013 sửa đổi mới đây.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên “khai tử” cơ chế này bởi những hệ lụy mà nó sinh ra, song nhìn đi cũng phải nhìn lại, ở một khía cạnh khác, cơ chế này đã đem lại rất nhiều công trình hạ tầng lớn cho nhiều địa phương mà nếu chỉ trông vào ngân sách thì khó lòng có được.
Tại Đồng Nai, cơ chế này hầu như chưa phổ biến trong lĩnh vực hạ tầng giao thông dù đã khá quen thuộc với nhiều địa phương khác. Song những năm gần đây, sự bức bách về phát triển giao thông đã đặt chính quyền vào thế khó khi ngân sách vốn không kham nổi nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, năm 2016 ngân sách phải chi gần 1,3 ngàn tỷ cho tất cả: đầu tư xây dựng mới, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình hiện hữu tại Đồng Nai. Số tiền 1,3 ngàn tỷ thực sự là không bõ bèn gì so với nhu cầu thực tiễn. Đơn cử, chỉ điểm sơ một số công trình giao thông trọng điểm của tỉnh trong 2017 - những công trình gần như bắt buộc phải làm để giải tỏa bớt các điểm nóng giao thông, thì nhu cầu vốn đã lên đến gần 8 ngàn tỷ đồng, chưa kể một danh sách dài các công trình cần nâng cấp, mở rộng, duy tu…
Dự kiến những công trình trọng điểm giao thông làm theo cách đổi đất lấy công trình tại Đồng Nai, doanh nghiệp sẽ phải đền bù cho người dân ở những nơi họ lấy đất theo khung giá do nhà nước kiểm soát, sau đó mới bỏ tiền thực hiện công trình. Doanh nghiệp thấy có lợi mới làm, người dân cũng phải nhìn ra cái lợi cho đời sống của họ mới đồng ý giao đất. ở vai trò trung gian có trách nhiệm kiểm soát việc này, nhà nước cần linh hoạt, công chính và có tầm nhìn để cán cân lợi ích không nghiêng hẳn bên này mà bỏ rơi lợi ích bên kia.
Về tầm nhìn lâu dài, quy hoạch và lựa chọn công trình nào làm theo dạng này, công trình nào không thể thực hiện trao đổi để tránh những hệ lụy phát sinh, cũng cần đến sự minh bạch và nghiêm ngặt trong quá trình thực hiện. Có như thế, người dân mới tin tưởng vào nhà nước, tin vào doanh nghiệp để cùng chung tay vì lợi ích chung.
Kim Ngân