Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ trường lớp đạt chuẩn?

11:07, 24/07/2017

(ĐN) – Ngày 24-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã tiếp ông Shinji Watanabe, Tổng giám đốc mới của Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) đến chào xã giao nhân dịp ông nhận nhiệm sở tại Việt Nam. 

Sẽ khó hình dung một thành phố công nghiệp phát triển như Biên Hòa thuộc loại địa phương “có hạng” của đất nước lại phải chịu cảnh quá tải trường lớp kéo dài nhiều năm như vậy. Nhiều trường, nhiều lớp đã và sẽ tiếp tục “gồng mình” sắp xếp 50 học sinh/lớp, thậm chí đông hơn ở những phường, xã có đông lao động nhập cư, học sinh còn phải học ca ba, thậm chí có thời điểm từng phải học cả ca bốn, có nơi phải mượn cả trường đại học cho học sinh tiểu học vào học tạm. Có phường nằm ngay trung tâm nhưng nhiều năm không xây nổi trường mầm non công lập.

Câu chuyện xóa lớp ca ba quả là gian nan khi cứ xây trường mới, “thoát” ca ba được một thời gian ngắn lại “tái phát”. Có nơi trường được công nhận đạt chuẩn năm trước, năm sau lại phải dẹp cả thư viện, phòng thí nghiệm để có đủ chỗ học cho học sinh. Và câu chuyện buộc phải “phá” chuẩn của trường để đủ chỗ học luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo thành phố.

Năm 2015 khi một tờ báo đăng tải hình ảnh học sinh Trường tiểu học Trảng Dài vật vã học ca ba, còn phụ huynh phải đảo lộn giờ đưa đón con, khi đó đích thân Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo lãnh đạo tỉnh phải sớm giải quyết tình trạng này, nhưng đó là nhiệm vụ không dễ thực hiện.

Là thành phố công nghiệp phát triển nhưng không đồng nghĩa ngân sách Biên Hòa luôn dồi dào, muốn xây bao nhiêu trường học cũng được. Một năm tăng tới 12 ngàn học sinh, cần khoảng 12 trường học mới. Làm phép tính nhẩm: 12 trường nhân với 50 tỷ đồng (chưa kể tiền chi giải phóng mặt bằng) thì cần tới 600 tỷ đồng - con số “khủng” quá sức của ngân sách tỉnh chứ chưa nói tới thành phố.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Biên Hòa giãi bày: các trường mới ở Biên Hòa khi thiết kế xây dựng đều nghĩ tới chuyện “đi tắt đón đầu”, xây lớn luôn, thế nhưng chỉ được một vài năm đã quá tải. Ngành giáo dục ở Biên Hòa đã đón đầu mà vẫn “hụt hơi”. Ở những phường đông dân, muốn xây trường to hơn nhưng quỹ đất chỉ có hạn bởi quỹ đất hiện nay rất manh mún, muốn xây trường to cũng không dễ.

Câu chuyện quá tải trường lớp dẫn tới hệ lụy gì? Trường lớp theo chuẩn quốc gia quy định không quá 1.050 học sinh, và mỗi lớp không quá 35 học sinh, nhưng nhiều trường ở Biên Hòa không có những con số lý tưởng như thế. Điều đó làm ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học, thầy cô giáo quá sức vì phải dạy nhiều học sinh một lúc, còn học sinh chắc chắn sẽ khó nhận đủ sự quan tâm, và cơ sở vật chất cũng khó lòng đáp ứng được các điều kiện chuẩn nhất.

Công Nghĩa

 

Tin xem nhiều