Sáng nay 22-6, khoảng 866 ngàn thí sinh cả nước bước vào ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017.
Sáng nay 22-6, khoảng 866 ngàn thí sinh cả nước bước vào ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017. Đây là kỳ thi có nhiều sự đổi mới, như toàn bộ các môn thi (trừ môn Ngữ văn) đều thực hiện dưới dạng trắc nghiệm,các môn thi tự nhiên và khoa học xã hội được tổ hợp trong 2 bài thi, một phòng thi có 24 mã đề khác nhau nhằm hạn chế tình trạng quay cóp, trao đổi; các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh theo 4 hình thức… Từ sự đổi mới này, trước khi kỳ thi diễn ra nhiều học sinh và phụ huynh cảm thấy hoang mang, lo lắng.
Nhìn lại quá trình tổ chức thi THPT quốc gia, từ năm 2015 Bộ GD-ĐT bắt đầu có sự đổi mới bằng việc “gom” 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển đại học, cao đẳng làm một, giảm cho các thí sinh một kỳ thi - không chỉ giảm bớt áp lực thi cử mà còn giảm cho xã hội rất nhiều chi phí, tốn kém. Tuy nhiên, kỳ thi “2 trong 1” này vẫn tồn tại một số bất cập trong khâu tuyển sinh, nên những năm sau đó Bộ GD-ĐT tiếp tục có những thay đổi theo lộ trình để kỳ thi ngày càng hoàn thiện hơn. Những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 là nhằm mục tiêu này.
Tất nhiên, bất cứ sự đổi mới nào cũng sẽ gây tâm lý hoang mang lo lắng trong xã hội bởi người dân chưa thể biết trước sẽ theo hướng tích cực hay tiêu cực, trong khi đó các bậc làm cha mẹ không muốn tương lai con mình bị đưa ra “đánh đố”, làm “chuột thí nghiệm”.
Nhưng nếu bình tĩnh xem xét, phân tích kỹ lưỡng sẽ thấy rằng những đổi mới năm nay có nhiều điểm tích cực: thí sinh được rút ngắn thời gian thi chỉ còn 2-3 ngày nên giảm bớt áp lực thi cử, thí sinh có thể dự thi cả 2 tổ hợp bài thi tự chọn và sử dụng kết quả của bài thi nào có kết quả cao hơn để xét tốt nghiệp, việc chấm thi trắc nghiệm trên máy sẽ khách quan, công bằng hơn. Quan trọng hơn, năm nay thí sinh có thể đăng ký nhiều ngành từ các trường đại học, cao đẳng có điểm chuẩn từ cao đến thấp; sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định - là cơ hội mở để thí sinh tăng khả năng trúng tuyển, con đường bước vào giảng đường đại học cũng rộng mở hơn.
Ngoài ra, theo số liệu của Bộ GD-ĐT, trong số 866 ngàn thí sinh đăng ký dự thi có 75% thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng (hơn 640 ngàn thí sinh). Trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học do Bộ quản lý là 340 ngàn (chưa tính hệ cao đẳng và các trường do Bộ khác quản lý), tỷ lệ thí sinh trúng tuyển chiếm trên 53,1%, tức 2 thí sinh dự thi thì có ít nhất 1 thí sinh vào đại học. Thêm vào đó, để thí sinh yên tâm hơn trước những thay đổi của kỳ thi “đặc biệt”, đề thi sẽ tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 12 thay vì dàn trải trong nội dung của cả bậc THPT như trước đây. Rõ ràng, tỷ lệ “yên tâm” của thí sinh trong kỳ thi này cũng cao hơn.
Ai cũng biết, sự đổi mới cũng như khó khăn nếu có sẽ áp dụng đều cho tất cả thí sinh, không có tình trạng ngoại lệ nào, do đó cơ hội/thách thức cũng chia đều cho tất cả. Tuy nhiên, đón nhận cơ hội như thế nào thì tùy thuộc vào bản lĩnh, chất lượng học tập của thí sinh. Và chắc chắn rằng thí sinh nào chăm chỉ học tập, tích lũy nền tảng kiến thức tốt sẽ có cơ hội nhiều hơn trong cuộc chạy đua vào tương lai. Vì vậy, điều mà các thí sinh cần làm trong kỳ thi ngày mai là vứt hết những băn khoăn không đáng có, bình tĩnh, tự tin thể hiện năng lực, trí tuệ một cách tốt nhất, đạt kết quả cao nhất.
Hà Lam