Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể mãi tận thu tài nguyên

11:06, 14/06/2017

Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu cát xây dựng tăng mạnh những năm qua, đến nỗi sự bồi lắng của những dòng sông không kịp để cung ứng cho một thị trường luôn trong "cơn khát" cát tự nhiên.

Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu cát xây dựng tăng mạnh những năm qua, đến nỗi sự bồi lắng của những dòng sông không kịp để cung ứng cho một thị trường luôn trong “cơn khát” cát tự nhiên. Việt Nam là một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi khi có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, ngoài nguồn lợi thủy sản và nước ngọt, cát tự nhiên còn là một món quà trực tiếp từ sông, phục vụ cho nhu cầu xây dựng lâu nay.

Cát tự nhiên dù là nguồn lợi tự tái tạo, song cũng như nhiều loại tài nguyên thiên nhiên khác, sẽ sớm cạn kiệt vì không đủ thời gian bồi lắng nếu khai thác vô tội vạ. Do đó, hoạt động khai thác cần được rà soát và quy hoạch kỹ lưỡng, chỗ nào được phép khai thác, khai thác với tần suất và công suất bao nhiêu, ai được cấp phép và ai quản lý việc khai thác. Hoạt động khai thác cát lậu dĩ nhiên cũng phải bị cấm hoàn toàn vì Nhà nước hoàn toàn thất thu, và không có nguồn tài nguyên nào tồn tại lâu dài được nếu bị tận thu.

Tình trạng khai thác cát lậu thời gian qua hoành hành quá mức, nhiều chủ ghe chỉ cần thọc ống hút cát xuống, hút đến sạt cả bờ sông, mang ghe xuống di động “rà” khắp mặt sông, đặc biệt ở những đoạn sông vắng vẻ; dùng camera, “cài cắm” người trực để tránh né cơ quan chức năng. Điều này đã làm người dân sống ven hàng loạt con sông kêu cứu, từ sông Đồng Nai (Lâm Đồng, Đồng Nai) đến sông Tiền, sông Hậu (chảy qua các tỉnh miền Tây), sông Ba (Phú Yên)… vì bị hút cạn cát lòng sông, gây sạt lở nghiêm trọng.

Giữa tháng 3, sau khi báo chí liên tục có bài phản ánh tình trạng khai thác cát vô tội vạ trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh Lâm Đồng - Đồng Nai, thêm vào đó là các dự án nạo vét và “cát tặc” hoạt động ngày đêm dẫn đến môi trường gần như bị hủy hoại, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo rà soát lại hiện trạng khai thác, nạo vét trên toàn khu vực. Tháng 5-2017, 13 dự án khai thác cát trên sông Đồng Nai đã bị đình chỉ, nhiều địa phương khác cũng đang rà soát và tiến hành sắp xếp, đình chỉ các dự án khai thác cát tự nhiên vô tội vạ.

Điều này đã gây ảnh hưởng đến nguồn cung và tạo một cú sốc cho thị trường cát xây dựng, khi giá cát tăng gấp 2-3 lần chỉ trong 1 tháng. Hiện cát miền Tây bán lẻ tại thị trường Biên Hòa là trên 320-330 ngàn đồng/m3, cát hồ Trị An 600-650 ngàn đồng/m3 và giá cát vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nơi đưa ra giải pháp dùng vật liệu khác thay thế cho cát tự nhiên. Theo PGS.TS Trần Văn Miền, Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng Trường đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, hiện nay loại nguyên liệu thay thế cát tự nhiên là cát nhân tạo. Đây là loại cát được nghiền từ đá, có cỡ hạt gần tương tự với cát tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về tính chất cơ, lý, hóa và có thể trộn lẫn theo tỷ lệ phù hợp với cát tự nhiên trong bê tông và vữa xây dựng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khó thay đổi thói quen của người tiêu dùng, chưa kể, không thể một sớm một chiều là có đủ vật liệu thay thế cho thị trường ngay được.

Mặc dù thị trường xáo trộn sẽ gây khó khăn cho ngành xây dựng, công trình đội giá, người tiêu dùng sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn khi muốn xây nhà. Song, giải pháp lâu dài vẫn là phải cân đối, hài hòa giữa sử dụng cát tự nhiên và các giải pháp vật liệu thay thế khác. Cần có quy hoạch, phân bố khai thác, quản lý hợp lý các nguồn cát tự nhiên, đồng thời thúc đẩy sản xuất các dạng vật liệu khác để thay thế. Vì rõ ràng, không thể cứ mãi tận dụng nguồn lực tự nhiên, vì chúng không vô tận như con người nghĩ.

VI LÂM

 

Tin xem nhiều