Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách an sinh xã hội giúp người lao động giải quyết một phần khó khăn khi mất việc làm, chưa có cơ hội tìm việc làm mới. Chính sách này đang thu hút đông đảo người lao động tham gia và chỉ tính riêng tại Đồng Nai, ước đến hết tháng 6-2017, số người làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng lên gần 22 ngàn người.
Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách an sinh xã hội giúp người lao động giải quyết một phần khó khăn khi mất việc làm, chưa có cơ hội tìm việc làm mới. Chính sách này đang thu hút đông đảo người lao động tham gia và chỉ tính riêng tại Đồng Nai, ước đến hết tháng 6-2017, số người làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng lên gần 22 ngàn người.
Khỏi phải bàn cãi tính ưu việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bởi ngoài số tiền được trợ cấp, người thất nghiệp còn được hưởng các chế độ khác, như: hỗ trợ tư vấn, học nghề, giới thiệu việc làm, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ… Điều này cho thấy, nếu nghỉ việc, người lao động vẫn còn những cơ hội nghề nghiệp khác rộng mở với sự giúp từ ngành chức năng.
Tuy nhiên, có một nghịch lý đang xảy ra là trong khi số người thất nghiệp đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp gia tăng thì số người đăng ký học nghề sau thất nghiệp lại giảm. Lý giải nguyên nhân này, không ít ý kiến cho rằng, người lao động đang lợi dụng tính ưu việt của chế độ bảo hiểm thất nghiệp để “nhảy việc”, kiếm tiền từ chính sách này. Một số khác thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến tác hại lâu dài của việc nghỉ làm để hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhất là đối với lao động lớn tuổi…
Một thực trạng khác cũng đang làm cho chính người lao động bị thiệt thòi khi thất nghiệp, đó là trễ hạn nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến mất tiền trợ cấp của tháng đó và cũng không được nhận bù vào tháng sau. Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, mỗi tháng vẫn còn 200-300 trường hợp không được lãnh tiền trợ cấp vì lý do… quên tới lãnh.
Tất nhiên, có nhiều lý do để 200-300 lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp này không đến đúng hạn để nhận tiền trợ cấp. Những quy định để nhận bảo hiểm cũng còn nhiêu khê, gây phiền toái cho người lao động. Song nếu đã tham gia chính sách này, thiết nghĩ người lao động cũng nên tìm hiểu thật kỹ quy định và những vấn đề liên quan để hạn chế tình trạng mất tiền oan chỉ vì quên ngày hẹn lãnh hay không ủy quyền cho người nhận thay khi có việc không thể tới đúng hẹn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến cho người lao động về các chế độ, chính sách… để người lao động hiểu và thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.
Chính sách ra đời và triển khai trong thực tế chắc chắn không tránh khỏi những bất cập. Việc điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý là cần thiết nhưng cần những khoảng thời gian phù hợp cùng tầm nhìn chiến lược. Những bất cập và phiền toái khi thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp là có nhưng nếu có sự phối hợp, kiểm soát tốt, người lao động bị thất nghiệp thực sự sẽ được hưởng những chế độ ưu việt; Nhà nước sẽ không mất tiền “oan” bởi những trường hợp lợi dụng kẽ hở của chính sách để trục lợi.
Muốn không thiệt thòi, trước mắt người lao động bị thất nghiệp phải chấp hành đúng những quy định đã ban hành, đừng mất tiền trợ cấp chỉ vì… quên ngày đi lãnh.
Minh Ngọc