Hiện nay ai cũng biết đến tác hại của việc hút thuốc lá, kể cả những người liên tục phì phèo điếu thuốc trên môi: thuốc lá là "thủ phạm" gây ra các bệnh về phổi, tim mạch, làm cho sức khỏe và tuổi thọ bị suy giảm nghiêm trọng;thuốc lá không chỉ có hại đối với người trực tiếp sử dụng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe những người xung quanh bởi "hút thuốc thụ động"; đốt thuốc lá như đốt tiền. T
Hiện nay ai cũng biết đến tác hại của việc hút thuốc lá, kể cả những người liên tục phì phèo điếu thuốc trên môi: thuốc lá là “thủ phạm” gây ra các bệnh về phổi, tim mạch, làm cho sức khỏe và tuổi thọ bị suy giảm nghiêm trọng;thuốc lá không chỉ có hại đối với người trực tiếp sử dụng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe những người xung quanh bởi “hút thuốc thụ động”; đốt thuốc lá như đốt tiền.
Thậm chí, trên mỗi vỏ bao thuốc lá đều bắt buộc in những dòng chữ cảnh báo, như: Thuốc lá có hại cho sức khỏe, Hút thuốc dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn, Hút thuốc gây ung thư họng, thanh quản… kèm theo những hình ảnh khá ghê rợn về tác hại của việc hút thuốc lá.
Vậy mà bất chấp tất cả những hiểu biết, cảnh báo, rất nhiều người vẫn “vô tư” hút thuốc.
Vì sao vậy? Câu trả lời là trong thuốc lá có chất nicotine gây nghiện nặng, nên người hút thuốc khó lòng từ bỏ. Đã có rất nhiều trường hợp quyết tâm cai thuốc lá, nhưng không thành công. Một số khác lại xem thuốc lá là giải pháp “thăng hoa tư tưởng”, hoặc là hình thức chứng tỏ “người sành điệu”, thể hiện bản lĩnh…
Doanh số của các hãng sản xuất thuốc lá vì vậy vẫn cao ngất ngưởng, đem lại nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Chính vì vậy, “cuộc chiến” chống việc hút thuốc lá, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng bao lâu nay cứ kéo dài dai dẳng, xem ra chưa có hồi kết.
Theo điều tra mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có gần 6 triệu người chết vì thuốc lá, nhiều hơn số tử vong do tai nạn, bị lao và HIV/AIDS cộng lại. Cứ theo mức tiêu thụ thuốc lá hiện nay, thì đến năm 2020 số người chết vì thuốc lá sẽ là 8 triệu người/năm.
Còn ở Việt Nam, theo khảo sát của Viện Khoa học thống kê (Tổng cục Thống kê), bình quân một người hút thuốc chi hơn 1,4 triệu đồng/năm cho thuốc lá, và với con số khoảng 15 triệu người hút thuốc lá hiện nay, mỗi năm có khoảng 22 ngàn tỷ đồng “cháy” theo khói thuốc - tương đương số lương thực nuôi sống 10,6 triệu người. Như vậy, so với ma túy và các chất gây nghiện khác, tác hại của việc hút thuốc lá nào có kém, chỉ là từ từ hơn, kéo dài hơn và âm thầm hơn.
Trong khi đó, từ năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1315/QĐ-TTg, quy định từ ngày 1-1-2010, hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng sẽ bị xử phạt với hình thức từ nhắc nhở, cảnh cáo đến phạt tiền 50-100 ngàn đồng/lần. Tuy nhiên, theo quy định chỉ có một số đối tượng như: thanh tra y tế, công an… mới được phép xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng chứ không phải cơ quan, đơn vị nào cũng có quyền xử phạt.
Chính vì vậy, trong thực tế 7 năm qua số người bị phạt vì hành vi trên hầu như không đáng kể, nạn hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra như chuyện bình thường, rất nhiều người tiếp tục trở thành nạn nhân của việc hút thuốc lá thụ động.
Đã đến lúc cần phải mạnh tay, quyết liệt với thói quen hút thuốc lá và hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Nhiều nước trên thế giới cũng bắt đầu gia tăng khu vực cấm hút thuốc, thậm chí có nước cấm triệt để như Bhutan.
Trên các chuyến bay của Việt Nam Airlines hiện nay đều cấm hút thuốc và hành khách muốn đi máy bay phải tuân thủ quy định, cho thấy việc cấm này có thể được mở rộng ra ở các cơ quan, công sở, sân chơi, khu vực ngoài trời, nơi có trẻ em… cũng như mở rộng đối tượng được phạt để quy định được thực thi hiệu quả hơn.
Hà Lam