Khoảng 40 năm trước, 2 từ bóng rỗi rất quen thuộc với người Nam bộ bởi hầu như địa phương, làng xã nào cũng có miễu Bà, vào dịp lễ cúng Bà là mời các nhóm bóng rỗi đến biểu diễn.
Khoảng 40 năm trước, 2 từ bóng rỗi rất quen thuộc với người Nam bộ bởi hầu như địa phương, làng xã nào cũng có miễu Bà, vào dịp lễ cúng Bà là mời các nhóm bóng rỗi đến biểu diễn. Nhưng giờ đây, rất nhiều người trẻ lạ lẫm với bóng rỗi, thậm chí không hiểu đó là gì. Cách đây không lâu, Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài liên quan đến bóng rỗi. Người trong giới nghiên cứu khoa học đều cho rằng Hải Phượng đã tự “làm khó” mình khi chọn đề tài ấy. Quả không sai, quá trình làm luận án của Hải Phượng vô cùng vất vả khi phải lặn lội hết TP.Hồ Chí Minh đến các tỉnh Nam bộ, bởi các nhóm bóng rỗi cứ ngày càng thưa vắng.
Không riêng gì bóng rỗi, một số hình thức diễn xướng dân gian khác ở Nam bộ, như: hò, vè, dân ca, đờn ca tài tử, hát bội… cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Trong một xã hội hiện đại với quá nhiều loại hình giải trí sôi động, nghệ thuật dân gian ngày càng trở thành “đồ cổ”, khó thích ứng và nếu không có giải pháp bảo tồn, phát huy kịp thời, có nguy cơ sẽ dần mai một, thậm chí biến mất.
Đây cũng là tiến trình mà các nước kinh tế phát triển đều đã trải qua. Tuy nhiên, nhiều nơi đã nhận ra và có giải pháp bảo tồn. Ở Nhật Bản, tuồng Nô - một loại hình sân khấu dân gian được biên soạn thành giáo trình và đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông. Các trường học ở Nga cũng đưa vào giảng dạy và quy định học sinh phải biết ít nhất một số điệu dân vũ cơ bản.
Ở nước ta, từ năm 1998 Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã có nghị quyết về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thế nhưng, trong thực tế công tác văn hóa dân tộc vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi môi trường văn hóa bao gồm sự tồn tại của các giá trị văn hóa, vật thể, các giá trị văn hóa phi vật thể, các hoạt động văn hóa cá nhân và cộng đồng… hầu như chưa được chú trọng xây dựng từ sáng tạo, sản xuất, bảo quản, lưu giữ, truyền bá, thưởng thức cho đến đánh giá các giá trị văn hóa. Thiếu một môi trường phù hợp, các giá trị văn hóa đang từng ngày bị xâm lấn bởi các yếu tố văn hóa ngoại lai.
Rất nhiều loại hình nghệ thuật dân gian ở nước ta đang dừng bước ở hoạt động tự phát, tự trao truyền, chưa có nơi nào chính thức đào tạo nghệ nhân biểu diễn, chưa được truyền dạy ở diện rộng. Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được giáo trình giảng dạy cũng như chưa có địa phương nào đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường. Chính vì những bất cập này, càng ngày càng thiếu đi lớp công chúng đủ kiến thức, hiểu biết để thưởng thức nghệ thuật dân tộc. Không hiểu, sao có thể yêu quý, gìn giữ, phát huy? Trong bối cảnh đó, nghệ thuật dân gian có thể “sống” được đã là nỗ lực rất lớn, nói gì đến phát triển, quảng bá rộng rãi ở tầm vóc quốc tế.
Đồng Nai so với các địa phương khác ở khu vực phía Nam được đánh giá là có nỗ lực lớn trong công tác bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên, ngoài chương trình đưa cải lương vào học đường được Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai) thực hiện ở một vài trường tại TP.Biên Hòa trong vài tháng, thì cho đến nay vẫn chưa có chương trình lớn nào khác để gieo cấy nhận thức, hiểu biết về văn hóa dân gian trong lớp trẻ.
Bảo tồn văn hóa - nghệ thuật dân gian đang cần sự quan tâm thật sự của Nhà nước và cộng đồng, chứ không phải chỉ nằm trên giấy.
H.L