Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để những người khởi nghiệp cô đơn

10:05, 28/05/2017

Một doanh nhân tên tuổi tại Đồng Nai từng chia sẻ, công việc làm ăn kinh doanh với ông cũng như với nhiều doanh nhân khác, là một việc cô đơn kinh khủng.Khi thành công thì dễ thấy, nào dư luận, báo chí, anh em chiến hữu, nay nhận giải doanh nhân tiêu biểu chỗ này, mai trả lời phỏng vấn chỗ nọ và câu chuyện thành công được truyền đi như một bài học khởi nghiệp đầy cảm hứng.

Một doanh nhân tên tuổi tại Đồng Nai từng chia sẻ, công việc làm ăn kinh doanh với ông cũng như với nhiều doanh nhân khác, là một việc cô đơn kinh khủng.Khi thành công thì dễ thấy, nào dư luận, báo chí, anh em chiến hữu, nay nhận giải doanh nhân tiêu biểu chỗ này, mai trả lời phỏng vấn chỗ nọ và câu chuyện thành công được truyền đi như một bài học khởi nghiệp đầy cảm hứng. Và doanh nhân rất dễ “say sưa” trong ánh hào quang đó. Nhưng khi thất bại thì quả là một “nỗi niềm ai thấu”. Bất kể thất bại vì lý do gì, khách quan hay chủ quan, do thị trường đổi chiều hay do kinh doanh kém… thì những cái giá phải trả cũng rất lớn và không nhiều người đủ bản lĩnh để đứng lên gầy dựng lại từ đống tro tàn.

Chọn nghiệp kinh doanh nghĩa là chọn một con đường chông gai vất vả. Nỗi vất vả đó không chỉ nằm ở đồng tiền mà còn ở trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với công nhân, với kỳ vọng của cổ đông… Với những gánh nặng này, người đứng đầu doanh nghiệp hầu như phải tự vượt qua bằng sự dũng cảm. Không ít chủ doanh nghiệp đến kỳ lễ, tết phải vét đến đồng tiền cuối cùng hoặc cầm cố tài sản để trả lương, thưởng  cho công nhân khi kinh doanh gặp khó.

Nói như thế để thấy khởi sự kinh doanh không phải là một điều hào nhoáng, mà là một gánh nặng trách nhiệm thật sự Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển kinh tế của Việt Nam từ đây sắp tới phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ doanh nhân, do đó mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu có được 1 triệu doanh nghiệp từ con số gần 600 ngàn hiện tại. Muốn vậy, Chính phủ phải tạo ra một môi trường, một “hệ sinh thái” thật tốt để nuôi dưỡng những ý tưởng và dự án khởi nghiệp, mới mong chạm đến mục tiêu biến Việt Nam thành “quốc gia khởi nghiệp” như mong muốn.

Khởi nghiệp - hiểu nôm na là việc khởi sự một công việc làm ăn kinh doanh - cần có một môi trường thuận lợi để nâng đỡ những ý tưởng và dự án còn non nớt. Khi một ý tưởng kinh doanh ra đời, nó cần rất nhiều yếu tố hỗ trợ để phát triển, chẳng hạn: vốn, thông tin thị trường, hệ thống pháp lý để thành lập và vận hành doanh nghiệp, nhân sự, marketing, bán hàng, quảng cáo, kiểm soát chất lượng, quản trị... mà một người chân ướt chân ráo bước vào kinh doanh không dễ gì có đủ. Chưa kể đến các thủ tục hành chính, quy định, luật lệ hiện hành áp dụng cho ngành nghề đó. Ở các quốc gia phát triển, môi trường dành cho khởi nghiệp khá phong phú và vững mạnh, nó giúp hỗ trợ các ý tưởng tốt và sàng lọc những ý tưởng chưa tốt để không lãng phí tài nguyên.

Thực tế, môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam còn rất nhiều rào cản: quy định chồng chéo, lãi suất cao, thông tin thị trường thiếu thốn… khiến nhiều người “cô đơn” ngay từ lúc khởi nghiệp khi một mình dò dẫm và giải quyết tất cả các vấn đề trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đáng mừng là Chính phủ hiện đang tìm nhiều cách để cải thiện với câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong diễn đàn gặp gỡ gần 10 ngàn doanh nghiệp mới đây, rằng “Chính phủ kiến tạo, doanh nghiệp phát triển” với hàng loạt các chính sách đi kèm: cắt giảm hàng ngàn giấy phép con, giảm thời gian xử lý hồ sơ, cải cách hành chính, kêu gọi giảm lãi suất, cắt giảm thanh tra - kiểm tra doanh nghiệp… Hy vọng, trong thời gian tới, những người khởi nghiệp sẽ không quá “cô đơn” khi bắt tay vào khởi sự làm ăn vì được hỗ trợ bởi một chính phủ hành động và một môi trường minh bạch hơn. Đó chính là món quà lớn nhất cho những người bước chân vào con đường đầy thử thách này.

Kim Ngân

Tin xem nhiều