Những chiếu thịt heo giá 100 ngàn đồng/3 kg trải dọc đường từ quê lên phố là một trong những hình ảnh gây nhiều bức bối nhất của thủ phủ chăn nuôi như Đồng Nai trong những ngày tháng 5 nóng bức.
Những chiếu thịt heo giá 100 ngàn đồng/3 kg trải dọc đường từ quê lên phố là một trong những hình ảnh gây nhiều bức bối nhất của thủ phủ chăn nuôi như Đồng Nai trong những ngày tháng 5 nóng bức. Và không phải chỉ Đồng Nai, những chiếu thịt nhanh chóng lan rộng ra khắp cả nước, xuất hiện bất cứ nơi đâu có heo tồn không bán được khiến nông dân đành tự xả thịt sau mấy tháng cầm cự.
Trước đó mấy tuần là những sạp bán chuối xuất hiện khắp phố phường, từ hành lang chung cư đến mặt tiền công sở - cũng nhằm mục đích vận động người tiêu dùng mua chuối “cứu” nông dân.
Thật ra, ai cũng biết là về dài hạn, những hành động “tự nuôi tự bán” kiểu này không phù hợp với sự phát triển của ngành nông nghiệp hiện tại. Trước hết, là vì hình thức này không mấy hiệu quả do số lượng tiêu thụ khá nhỏ so với lượng tồn kho, chưa kể chúng đặt ra quá nhiều vấn đề về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; cạnh tranh thiếu lành mạnh với những cửa hàng bán thịt, bán trái cây phải thuê mặt bằng và nộp thuế. Tuy nhiên, trước những giọt nước mắt của nông dân, cả chính quyền lẫn người tiêu dùng đành xử lý bằng giải pháp trước mắt: mua để “cứu”.
Nhưng trong câu chuyện heo rớt giá lần này, vẫn có những trang trại không đến nỗi thua lỗ do đã có hợp đồng tiêu thụ với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Mặc dù vẫn chịu chi phối bởi quy luật thị trường, song khi đã ký hợp đồng, heo vẫn được mua dù không lãi nhiều như trước.
Nói điều này để thấy, nhìn từ con heo đến các loại cây, con khác, nông dân cần thay đổi tư duy để tự cứu mình trước khi chờ người cứu. Tư duy đó hiểu ngắn gọn là họ phải tự ý thức mình là một “nhà đầu tư - nhà sản xuất” và “nhắm” trước chỗ tiêu thụ trước khi nhân rộng sản xuất.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp phát triển cao, như: Australia, New Zealand, Israel, Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Đài Loan, Hàn Quốc… từ lâu đã đi theo quy trình khác hẳn Việt Nam: tìm thị trường tiêu thụ trước khi bắt tay vào sản xuất.
Thêm vào đó, các tiêu chí để làm nên sản phẩm sẽ uyển chuyển thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Nông dân những quốc gia này tham gia sâu sát, thường xuyên vào các hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã… để có thông tin thị trường. Từ đó, nhanh chóng nắm bắt xu hướng người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, sản lượng mặt hàng tại các vùng hoặc các quốc gia khác… nhằm có những điều chỉnh phù hợp cho chính nông trại của mình.
Nông dân Việt Nam bao đời nay chưa từng là những người bán hàng giỏi, họ chỉ giỏi sản xuất và chờ thương lái đến mua, không biết hàng hóa của mình bán đi đâu nên khi thị trường thay đổi, họ rơi nhanh vào thế bí và chịu thua lỗ. Chính “quy trình ngược” trong sản xuất hiện đại này đang gây hậu quả lớn với nông dân.
Nhà nước và người tiêu dùng sẽ không “giải cứu” nông dân được mãi, đó là điều chắc chắn. Hỗ trợ tiền bạc, phân, giống không bằng hỗ trợ thông tin. Bằng cách nào đó, thông tin về thị trường tiêu thụ, đối thủ cạnh tranh, thị trường mới và các cách thức tiêu thụ nông sản chuyên nghiệp, về lâu dài cần phải đến với nông dân kịp thời, đều đặn trước khi họ đầu tư sản xuất. Có thông tin, có thị trường và am hiểu cách bán hàng, đó mới là cách để nông dân tồn tại dài lâu giữa thời buổi mà ngôi chợ đầu làng cũng hiện diện nông sản ngoại nhập như hiện nay.
KIM NGÂN