"Buýt an toàn, buýt tiện nghi, buýt đi làm, buýt đi chơi" từng là khẩu hiệu mà TP.Hồ Chí Minh mong muốn trở thành hiện thực từ nhiều năm trước, khi áp lực dân số của thành phố chục triệu dân này ngày một nóng.
“Buýt an toàn, buýt tiện nghi, buýt đi làm, buýt đi chơi” từng là khẩu hiệu mà TP.Hồ Chí Minh mong muốn trở thành hiện thực từ nhiều năm trước, khi áp lực dân số của thành phố chục triệu dân này ngày một nóng. Đầu tư phát triển hệ thống xe buýt công cộng nhiều năm nay, đến giờ này TP.Hồ Chí Minh vẫn không ngừng nỗ lực nhằm nâng cấp hệ thống xe buýt bằng nhiều cách.
Ngày càng có nhiều người dân chọn phương tiện xe buýt để đi lại |
Tương tự, ý thức được trong tương lai cần hạn chế các phương tiện di chuyển cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện vận tải công cộng càng nhiều càng tốt, Đồng Nai cũng đầu tư khá lớn cho hệ thống xe buýt trong tỉnh.
Đến lúc này, Đồng Nai đã có 25 tuyến xe buýt. Các tuyến xe phủ khắp trung tâm các huyện, TX.Long Khánh, kết nối với TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và TP.Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tỉnh cũng sắp khai trương tuyến xe buýt trợ giá số 01 có máy lạnh từ Trảng Dài đi ngã tư Vũng Tàu với tần suất dự kiến 80 chuyến/ngày.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải kinh doanh vận tải bằng xe buýt cũng có nhiều phương án đầu tư để nâng cấp chất lượng xe và chất lượng dịch vụ cho xe buýt. Đặc biệt, Sở Giao thông - vận tải đang đốc thúc các đơn vị triển khai dự án thay thế xe buýt cũ sang loại sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG). Cụ thể, trong giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020) sẽ tập trung thay thế khoảng 6 tuyến xe buýt đang hoạt động của Công ty cổ phần vận tải Sonadezi là 43 xe B60 (chở 60 người) và 119 xe B80 (chở 80 người) sang xe chạy bằng nhiên liệu khí CNG. Giai đoạn 2 (từ năm 2020-2030) sẽ sử dụng toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng của tỉnh, gồm: 15 tuyến xe buýt đang hoạt động và 7 tuyến dự kiến mở mới với 373 xe B60 và 20 xe B80 bằng loại xe này để đảm bảo an toàn cho môi trường.
Tuy nhiên, song song với đổi mới “phần cứng”, để người dân tăng lựa chọn đi xe buýt, chính quyền cũng phải chú ý nâng cấp “phần mềm”. “Phần mềm” ở đây được hiểu là chất lượng dịch vụ, thái độ nhân viên, ứng xử lịch sự, đúng giờ, tôn trọng khách hàng… của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt. Thực tế, nhiều người đánh giá chất lượng phục vụ bằng xe buýt của nhiều tuyến buýt trong tỉnh vẫn chưa như mong đợi. Đâu đó, người tiêu dùng vẫn bị thu quá tiền cước so với chặng đường, bị nhân viên xe buýt đối xử không lịch sự, sợ hãi do xe buýt chạy quá tốc độ, lấn tuyến, giành khách, tình trạng xe buýt giả vẫn chưa được xử lý tận gốc… Mặc dù là một hình thức kinh doanh được khuyến khích, song muốn có khách lâu dài, nhà xe luôn phải đáp ứng các tiêu chí: sạch, an toàn, đúng giờ, lịch sự với người đi xe buýt, đặc biệt là với các tuyến buýt đường dài.
Nâng cấp “phần cứng” có thể chỉ cần đến nguồn vốn, song để nâng cấp “phần mềm” cần phải có những biện pháp sớm và đúng đắn, những quy định và chế tài hợp lý nếu muốn người dân chọn xe buýt lâu dài.
Kim Ngân