Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo "công dân toàn cầu"

11:05, 01/05/2017

Việc Trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp Bosch (thuộc Công ty TNHH Bosch Việt Nam) liên kết với Trường cao đẳng nghề Lilama 2 bước đầu đào tạo được 17 học viên không chỉ thạo nghề mà còn giỏi ngoại ngữ, sau khi tốt nghiệp có bằng cấp đạt chuẩn quốc tế có thể làm việc ở nhiều nước trên thế giới.

Việc Trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp Bosch (thuộc Công ty TNHH Bosch Việt Nam) liên kết với Trường cao đẳng nghề Lilama 2 bước đầu đào tạo được 17 học viên không chỉ thạo nghề mà còn giỏi ngoại ngữ, sau khi tốt nghiệp có bằng cấp đạt chuẩn quốc tế có thể làm việc ở nhiều nước trên thế giới. Đó chính là những “công dân toàn cầu” trong tương lai.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới ngày càng phát triển như vũ bão, các chuyên gia đầu ngành đã chỉ ra những bất cập của hệ thống GD-ĐT nước ta, đó là không có định hướng rõ nét dẫn đến sinh viên thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương trong khi những nước có nền công nghệ tiên tiến đã có chính sách ưu tiên rõ rệt cho các ngành khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng, trường nghề và doanh nghiệp còn yếu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sinh viên.

Tại hội nghị Global Mobile Internet vừa diễn ra ở Bắc Kinh, ông Kai-Fu Lee, nhà sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm Sinovation Ventures và cũng là một nhà công nghệ nổi tiếng ở Trung Quốc, đã nhận định trong 10 năm tới, robot và công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế 50% việc làm đang được con người đảm nhiệm, thậm chí có thể xóa sổ một số doanh nghiệp truyền thống ở Trung Quốc. Bằng chứng là sự ra đời robot Pepper được thiết kế để chào đón, chăm sóc bệnh nhân cùng người thăm bệnh ở Bỉ, nếu được nhân rộng ắt hẳn sẽ có vô số nhân viên, điều dưỡng bệnh viện bị “về hưu non”. Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Alibaba, cho hay công nghệ đang phát triển đến mức thậm chí sẽ làm nhiều CEO thất nghiệp, bị robot thay thế trong tương lai.

Các nhà khoa học đã chỉ ra, nhóm lao động chịu tác động mạnh của công nghiệp 4.0 là lao động giản đơn, ít kỹ năng nên dễ bị thay thế bởi người máy, dự báo sẽ có khoảng 44% công nhân nhà máy bị thất nghiệp. Trong 5 ngành nghề chịu ảnh hưởng, có các ngành: dệt may, giày dép, cơ khí, điện tử - đều là những ngành nghề hiện là thế mạnh của nước ta. Không đâu xa, tháng 5-2016 Công ty Foxconn của Đài Loan - hãng công nghệ lớn nhất thế giới chuyên sản xuất các bộ phận máy tính và lắp ráp sản phẩm cho những tập đoàn lớn như: Apple, Sony… đã sử dụng người máy thay thế cho 60 ngàn lao động tại các nhà máy ở một số thành phố của Trung Quốc. Đó là tương lai không xa của Việt Nam. Và điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi thị trường lao động. Lao động phổ thông sẽ ngày càng bị thay thế bởi lao động có tay nghề, thậm chí tay nghề cao để thực hiện những thao tác robot không làm được.

Cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong GD-ĐT và đào tạo nghề. Các trường đại học, cao đẳng, trường nghề phải nhanh chóng thay đổi phương pháp đào tạo, đào tạo những gì thị trường cần và sẽ cần; hoạt động đào tạo cần phải được gắn kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp (cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực), quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống, có như vậy mới hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học phù hợp với yêu cầu  của doanh nghiệp. Các trường cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, hướng đến đào tạo những “công dân toàn cầu”.

Kết quả ban đầu của Trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp Bosch và Trường cao đẳng nghề Lilama 2 có lẽ còn quá nhỏ so với nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương, nhưng chính là những bước đi nền tảng, đúng hướng.

Hà Lam

Tin xem nhiều