Nhiều doanh nghiệp (DN) nhẹ lòng, tin tưởng khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố ra mắt Chỉ thị 20 với nội dung chính là không được thanh, kiểm tra DN trên 1 lần/năm và nếu thanh tra đột xuất khi có vi phạm thì không được thanh tra mở rộng.
Nhiều doanh nghiệp (DN) nhẹ lòng, tin tưởng khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố ra mắt Chỉ thị 20 với nội dung chính là không được thanh, kiểm tra DN trên 1 lần/năm và nếu thanh tra đột xuất khi có vi phạm thì không được thanh tra mở rộng.
Nhẹ lòng là vì bao lâu nay, DN đã “đuối” vì các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành, địa phương diễn ra liên tục theo nhiều cấp độ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không có cách nào từ chối. Thậm chí, có DN từng than thở, họ muốn “méo mặt” vì tháng nào cũng tiếp 1-2 đoàn kiểm tra.
Ngay từ đầu buổi gặp, Thủ tướng đã nhấn mạnh vai trò của DN một cách rõ ràng, thẳng thắn, chân tình. Ông dẫn lại tấm gương doanh nhân Bạch Thái Bưởi của thế kỷ trước với những khát vọng lớn và hoài bão lớn. Thủ tướng mong rằng tinh thần Bạch Thái Bưởi sẽ là động lực để giới DN Việt Nam ngày nay noi theo. Thủ tướng minh họa bằng câu nói nổi tiếng của Bạch Thái Bưởi: “Tôi muốn làm cho thủ đô Hà Nội tươi đẹp như Paris” - khẳng định không chỉ một tham vọng lớn mà còn ẩn chứa ý thức trách nhiệm của doanh nhân trong xây dựng đất nước. Thủ tướng cho rằng, ngày nay DN hoàn toàn có thể làm Việt Nam giàu đẹp và Chính phủ có mặt là để hỗ trợ họ làm điều đó.
Rất ý tứ, người đứng đầu Chính phủ cho biết ông rất trân trọng sự hiện diện của các DN hôm nay và đề nghị các bộ, ngành phát biểu ngắn gọn để doanh nhân có điều kiện phát biểu ý kiến, bởi ông biết với DN, thời gian là tiền bạc.
Nổi bật nhất trong hội nghị lần này vẫn là những cam kết về giảm thủ tục hành chính, rút gọn thời gian làm thủ tục, tinh giản hồ sơ giấy tờ, cải thiện thái độ phục vụ… để kiến tạo một môi trường kinh doanh tốt hơn, minh bạch và cạnh tranh hơn.
Chính phủ, thông qua những người đại diện như: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các bộ trưởng có mặt đã không ngại ngần “vạch mặt, chỉ tên” những yếu kém, tồn tại tạo nên những rào cản tồn tại bao năm nay đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Không né tránh, không dùng từ giảm nhẹ, không bao biện… tất cả những tồn tại đó được những người đứng đầu Chính phủ nêu công khai để có cái nhìn đúng đắn, trực tiếp vào vấn đề và để tìm giải pháp sửa chữa. Hiếm có quyết sách nào quan trọng như Chỉ thị 20 lại được ban hành ngay trong buổi họp, cho thấy một vóc hình của một “Chính phủ hành động” đang dần lộ rõ.
Một điều quan trọng khác là Chính phủ cam kết sẽ thực hiện 2 vấn đề chính là: kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho DN, trong đó mọi thành phần kinh tế đều được đối xử như nhau. Thêm nữa, Thủ tướng cho rằng Việt Nam sẽ thất bại nếu không chiếm lĩnh thị trường trong nước - một thị trường rộng lớn đứng thứ 13 thế giới với hơn 90 triệu người tiêu dùng.
Hội nghị được ví như hội nghị Diên Hồng của giới DN lần thứ 2 đã kết thúc với rất nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị đi thẳng vào trọng tâm đã được Chính phủ ghi nhận, giải quyết. Phép màu dĩ nhiên sẽ không đến chỉ sau 1-2 hội nghị hay vài lần gặp gỡ, và trước mắt cả Chính phủ lẫn DN vẫn còn rất nhiều việc phải làm để biến Việt Nam thành một môi trường làm ăn, khởi nghiệp sôi động và hiệu quả. Mặc dù vậy, với thái độ cầu thị và cởi mở của những người đứng đầu Chính phủ, giới DN đã an tâm, tin tưởng hơn vào một Chính phủ kiến tạo và hành động - đó mới là cái “được” lớn nhất. Một khi có lòng tin, DN sẽ có những đột phá riêng trong ngành nghề của họ và có đóng góp nhất định vào nền kinh tế, miễn rằng đứng sau lưng họ là một Chính phủ luôn khuyến khích họ làm ăn công bằng, minh bạch, hiệu quả trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao lợi ích quốc gia.
KIM NGÂN