Biến đổi khí hậu không còn là chuyện xa xôi nằm ngoài biên giới Việt Nam nữa. Càng ngày, cụm từ này càng trở nên quen thuộc với nông dân một cách chẳng mấy vui vẻ.
Biến đổi khí hậu không còn là chuyện xa xôi nằm ngoài biên giới Việt Nam nữa. Càng ngày, cụm từ này càng trở nên quen thuộc với nông dân một cách chẳng mấy vui vẻ.
Năm nay mùa mưa đến sớm, dông bão lớn ngay từ đầu mùa khiến chôm chôm trễ vụ, điều nhiều sâu bệnh, sầu riêng và nhiều loại cây ăn trái khác đậu trái chậm nên bị những cơn dông chuyển mùa sớm làm cho tan tác, hứa hẹn một năm mất mùa lớn. Điều này cho thấy tác hại của biến đổi khí hậu đã đến “sát sườn” mảnh ruộng của nông dân.
Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ cách canh tác truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao hơn để tránh bớt những tác hại của thời tiết. Tuy vậy, quá trình chuyển tiếp này vẫn đang ở mức thấp, nên những biến chuyển của thời tiết vẫn gây nên những tác hại vô cùng lớn mà con người chưa thể điều khiển hết. Biến đổi khí hậu cũng xóa nhòa ranh giới giữa các mùa, khô hạn nặng hơn, bão dày đặc hơn, xâm mặn và hạn hán kéo dài nhiều vùng trên cả nước, gây ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo của hàng triệu nông dân.
Biến đổi khí hậu dần được coi như một loại “thiên tai” ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng suy cho cùng, sẽ có cách giải quyết bớt những tác hại đến từ nó. Nguy hiểm nhất vẫn là “nhân tai” - những điều gây hại lâu dài đến thiên nhiên do ý chí chủ quan của con người. Một mùa sâu bệnh hay thất bát sẽ không làm người nông dân trở nên khốn cùng, nhưng đó là tiếng chuông báo động gióng lên đúng lúc, đòi hỏi người nông dân phải xem lại cách canh tác của mình, xem những hệ quả trước mắt - đến từ “nhân tai” mấy phần, để có những cách tính căn cơ hơn.
Từ tư duy ngắn hạn, hàng triệu nông dân Việt Nam đang “vướng” phải cách làm nông lạm dụng chất hóa học, lạm dụng phân bón, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản… trên cây trồng, diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Qua thời gian, đất bị nhiễm độc, sâu bệnh ngày càng kháng thuốc và sinh sôi ra những chủng mới chưa có thuốc đặc trị. Để giữ năng suất, phân và thuốc tiếp tục được phun, bón, xịt… vô tội vạ. PGS.TS Trịnh Xuân Vũ, nguyên Hiệu phó Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh đưa ra con số khá… giật mình. Theo đó, Việt Nam có khoảng 27 triệu hécta đất sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện đang sử dụng đến 11 triệu tấn phân bón/năm và trung bình mỗi năm tăng thêm 1 triệu tấn. Đây là số lượng chất hóa học rất lớn “đổ” vào đất hàng năm, phần ngấm sâu vào mạch nước ngầm, phần rửa trôi ra sông và biển gây nên những tác hại lớn đến hệ sinh thái.
Mỗi hành vi dù nhỏ được lặp đi lặp lại mỗi ngày tưởng như không gây tác động lớn. Song cộng hưởng tất cả lại, với mười mấy triệu tấn phân bón vô cơ lẫn hữu cơ hòa vào đất, vào nước mỗi năm là một lượng vô cùng lớn, sẽ sớm gây hậu quả xấu lâu dài chứ không chỉ dừng ở việc mất mùa. Hy vọng, những khó khăn trước mắt sẽ làm cả nông dân lẫn nhà quản lý nhìn nhận lại, đâu là “thiên tai” và đâu là “nhân tai” thực sự gây khó khăn cho nông nghiệp về lâu dài, để có những ứng xử phù hợp hơn.
Vi Lâm