Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thêm sự chung tay

11:04, 17/04/2017

Đều đặn mỗi chiều, cậu bé không chân có nụ cười hồn hậu đến phòng tập gym đối diện cơ quan tôi công tác để tập luyện.

Đều đặn mỗi chiều, cậu bé không chân có nụ cười hồn hậu đến phòng tập gym đối diện cơ quan tôi công tác để tập luyện. Mỗi khi mẹ đưa cậu đến, phòng tập dường như rộn rã hơn bởi ai cũng muốn nói chuyện cùng cậu và giúp cậu có vị trí tập tốt nhất. Cậu trở thành thành viên của phòng tập như tất thảy các thành viên khác ở đây.

Cậu có nụ cười rất đẹp, nụ cười của chàng trai đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người: tuổi 17. Mẹ cậu kể, cậu rất thích thể thao, vì vậy chiều con, bà chọn một phòng tập gần nhà để cậu tập luyện. Rất may tại đây, cậu gặp được những người bạn chân thành, tận tình hướng dẫn và động viên cậu cố gắng tập luyện vừa để rèn luyện sức khỏe vừa để chuẩn bị  tham gia giải thể thao người khuyết tật do tỉnh tổ chức.

Chàng trai 17 tuổi ấy chỉ là một trong số trên 162 ngàn người khuyết tật của Đồng Nai đang nỗ lực để hòa nhập với cộng đồng, cố gắng trở thành người có ích. Hành trình hòa nhập ấy đã và đang nhận được sự giúp đỡ, yêu thương, chia sẻ và cảm thông của nhiều tổ chức, cá nhân, cộng đồng và gia đình với mong muốn người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.

Đã có rất nhiều chương trình, đề án ra đời và triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ người khuyết tập học tập, có việc làm, cải thiện cuộc sống. Chính nhờ những chính sách ưu việt này mà nhiều cơ hội đã mở ra cho người khuyết tật, giúp họ khẳng định được khả năng và nỗ lực của bản thân. Không ít người khuyết tật trở thành tấm gương sáng cho người lành lặn noi theo.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận rằng có những chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, việc làm… vẫn chưa đến được với người khuyết tật bởi nhiều lý do, trong đó có lý do không phù hợp. Đó là chưa kể vẫn còn sự kỳ thị trong đối xử đối với người khuyết tật. Bên cạnh những doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc với chế độ đãi ngộ tốt, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa xem trọng công tác này, thậm chí coi người khuyết tật chỉ là đối tượng trợ giúp nhân đạo.

Cuộc sống của người khuyết tật dù đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua, nhưng vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn mà nếu tự thân họ rất khó để giải quyết. Đó không chỉ là cơ hội đến trường, chăm sóc sức khỏe, đi lại, việc làm… mà ngay cả những ước mơ thầm kín như về một mái ấm gia đình nho nhỏ cũng khó trở thành hiện thực nếu không có sự tiếp sức của cả cộng đồng.

Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật. Phần lớn trong số này đang cần thêm sự chung tay giúp sức để hòa nhập và khẳng định khả năng của mình trong xã hội. Nếu có sự chia sẻ, chắc chắn họ sẽ tự tin để sống, rèn luyện và cống hiến bằng chính khả năng, nghị lực vượt khó và tinh thần lạc quan. Như nụ cười của chàng trai tuổi 17 ở phòng tập gym mà tôi gặp, tươi tắn và tự tin. 

MINH NGỌC

Tin xem nhiều