TP.Biên Hòa thời điểm cuối mùa khô 2017 như một đại công trường với các dự án xử lý thoát nước khắp các tuyến đường trọng điểm. Mặc dù được ghi nhận như một nỗ lực của chính quyền trong việc giải quyết phần nào tình trạng ngập úng trong mùa mưa, nhưng nhìn rộng ra, đây vẫn chỉ là một giải pháp tình thế cho một đô thị đang "phình" ra nhanh chóng do tốc độ nhập cư tăng.
TP.Biên Hòa thời điểm cuối mùa khô 2017 như một đại công trường với các dự án xử lý thoát nước khắp các tuyến đường trọng điểm.
Mặc dù được ghi nhận như một nỗ lực của chính quyền trong việc giải quyết phần nào tình trạng ngập úng trong mùa mưa, nhưng nhìn rộng ra, đây vẫn chỉ là một giải pháp tình thế cho một đô thị đang “phình” ra nhanh chóng do tốc độ nhập cư tăng.
Các vấn đề nóng hổi về hạ tầng, như: ngập nước, kẹt xe, trường học quá tải, thiếu cây xanh… còn chưa giải quyết được nên nhiều người sẽ đặt câu hỏi: bàn đến nét riêng về kiến trúc liệu có “xa xỉ” quá?
Thật ra, nếu không thực hiện từ bây giờ thì sẽ không bao giờ có được một đô thị vừa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, đi lại, ăn ở, vừa có chút duyên dáng riêng và bản sắc riêng, bởi mỗi công trình, mỗi khu dân cư, mỗi con đường “cơi nới” đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dáng hình đô thị.
Nhiều kiến trúc sư có tâm với Biên Hòa từng đánh giá, đô thị này vẫn chưa tạo được nét riêng, từ cảnh quan đến kiến trúc chung, kể cả các mảng xanh trong thành phố. Biên Hòa dần trở thành một chiếc áo quá chật khi dân cư tăng lên nhanh chóng và những thiết chế hạ tầng cũ ngày một trở nên tạm bợ, quá tải.
Trong mọi tính toán trước đây, dự kiến của Biên Hòa đến năm 2020 dân số sẽ tăng lên 1,1-1,2 triệu người, song hiện tại mới chỉ đầu năm 2017, dân số Biên Hòa đã chạm mức 1,2 triệu người.
Thực tế này đang đặt chính quyền vào thế khó: vừa phải giải quyết những nhu cầu hạ tầng bức bách hàng ngày, vừa phải giải quyết vấn đề tìm nét riêng cho đô thị trong tầm nhìn dài hạn. Điều này đòi hỏi một nguồn lực lớn mà nếu không có sự chung tay của doanh nghiệp, người dân thì khó lòng làm được.
Ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Xây dựng, phân tích do nguồn vốn có hạn nên hiện tại TP.Biên Hòa mới tập trung cho các nhu cầu bức thiết, như: làm đường giao thông, thoát nước, trường học. Muốn Biên Hòa phát triển, tạo ra nét đặc trưng riêng thì thành phố phải làm tốt quy hoạch tổng thể, chi tiết từng khu vực, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vào để phát triển.
Theo nhận xét của nhiều nhà làm quy hoạch kiến trúc đô thị, TP.Biên Hòa có một lợi thế lớn, đó là những di tích lịch sử, công trình văn hóa và cảnh quan sông Đồng Nai rất tốt, tạo những tiền đề để giúp thành phố phát triển có bản sắc. Tuy vậy, để làm được điều này, thành phố cũng cần thêm những yếu tố khác, như: thời gian, nhân lực, nguồn lực tài chính…
Với quy hoạch tổng thể và chi tiết thì chính quyền Biên Hòa có thể vạch ra, song để thực hiện được trên thực tế thì đòi hỏi nguồn lực từ nhiều phía. Và điều này cần làm nhanh, bài bản, làm một cách nghiêm túc và rốt ráo, vì nếu không, những khu dân cư và các công trình hạ tầng tự phát sẽ nhanh chóng lấn sân, đẩy thành phố vào tình thế buộc phải phá vỡ quy hoạch tổng thể lâu dài để giải quyết vấn đề trước mắt.
Vi Lâm