Tại các nước tiên tiến trên thế giới, hướng nghiệp học đường là hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong chương trình giáo dục nhằm góp phần định hướng về nghề nghiệp, việc làm và việc đào tạo nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.
Tại các nước tiên tiến trên thế giới, hướng nghiệp học đường là hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong chương trình giáo dục nhằm góp phần định hướng về nghề nghiệp, việc làm và việc đào tạo nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Hoạt động tư vấn hướng nghiệp không phải đợi đến khi học sinh bước vào cuối cấp mới thực hiện, mà diễn ra trong suốt thời gian kể từ khi học sinh đặt chân vào mẫu giáo, tiểu học cho đến cuối cấp THCS hoặc THPT, trở thành một lĩnh vực tác nghiệp chuyên môn và được tích hợp chặt chẽ trong các hệ thống GD-ĐT, lao động, việc làm, dịch vụ và chính sách của nhiều nước.
Ở nước ta, tuy vấn đề giáo dục hướng nghiệp đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng trong thực tế vẫn mang tính hình thức và kém hiệu quả. Việc dạy nghề cho học sinh tại các trung tâm hướng nghiệp chỉ “cho có”, có rất ít ngành nghề để lựa chọn, nhiều năm nay vẫn loay hoay ở các nghề: điện, điện tử, nấu ăn, chụp ảnh… Học sinh không thể phát hiện sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp qua đào tạo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như thế. Về vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp, hầu như chỉ tập trung vào hoạt động tư vấn tuyển sinh cho học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THPT, nhưng hoạt động này đang bị buông lỏng, mất kiểm soát.
Hiện nay, ngoài một số chương trình tư vấn tuyển sinh do Bộ, Sở GD-ĐT phối hợp tổ chức, còn xuất hiện nhiều chương trình do các trường đại học, cao đẳng tự đứng ra thực hiện nhằm chiêu sinh. Trong tình hình các trường đại học, cao đẳng nở rộ, nguồn tuyển sinh ngày càng ít đi như hiện nay, việc chiêu sinh cho đủ chỉ tiêu đào tạo đã trở thành nhiệm vụ “sống còn” của nhiều trường, nên cứ vào đợt cao điểm thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng như hiện nay, các trường lại “đua” nhau tư vấn tuyển sinh nhằm kéo người học, nhất là các trường thuộc “chiếu dưới”.
Nhìn về định hướng chung, những thông tin ở kỳ tư vấn tuyển sinh có khá nhiều lợi ích, giúp học sinh có cái nhìn tổng quan, hiểu biết về các ngành nghề, cơ hội học tập cũng như chất lượng giảng dạy. Nhưng trong thực tế, nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh hiện nay chỉ như một hình thức quảng cáo tiếp thị nhằm thu hút người học. Thay vì cung cấp thông tin trung thực về ngành học để học sinh có sự lựa chọn chính xác, thì nhiều trường chỉ cung cấp thông tin phiến diện, một chiều, thậm chí “tô hồng” về các ngành nghề trường đào tạo nhằm “chiêu dụ” sinh viên. Điều này nhìn có vẻ vô hại, nhưng thực ra tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì học sinh có thể vì thế mà chọn lựa sai lầm, học những nghề không phù hợp sở thích, năng lực, nhu cầu xã hội dẫn tới lãng phí về tiền bạc, thời gian, nguồn nhân lực và góp phần tăng cao tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, dù đây là điều thiếu minh bạch đối với học sinh, nhưng không thể “cấm” các trường quảng bá, tiếp thị. Chỉ là, các trường THPT nên là đầu mối giúp học sinh “lọc” bớt thông tin bằng cách chọn những đoàn tư vấn tuyển sinh có uy tín. Học sinh cũng cần là “người tiêu dùng khôn ngoan”, cân nhắc kỹ lưỡng thông tin trong các buổi tư vấn tuyển sinh, xem đây là một “kênh” tham khảo trước khi quyết định chọn trường, chọn nghề.
Ngoài ra, công tác tư vấn tuyển sinh hiện nay thiếu hẳn thông tin về nhu cầu nghề nghiệp của xã hội. Điều này một vài trường đại học, cao đẳng đơn lẻ không thể làm được mà cần có sự điều tra, thống kê, dự báo mang tầm quy mô quốc gia, nhằm tránh tình trạng đào tạo thừa dẫn đến sinh viên thất nghiệp khi ra trường. Muốn vậy, phải có sự “vào cuộc” của Nhà nước.
Hà Lam