Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm gì với người nghiện?

10:03, 13/03/2017

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, tính đến cuối năm 2106, trên địa bàn tỉnh có 3.472 người nghiện ma túy, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 574 người.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, tính đến cuối năm 2106, trên địa bàn tỉnh có 3.472 người nghiện ma túy, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 574 người.

Đáng lưu ý, đối tượng nghiện trong lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm gần 70%, tập trung chủ yếu vào nhóm có trình độ học vấn thấp, đối tượng có tiền án, tiền sự, người không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định và một số công nhân, học sinh, sinh viên đua đòi ăn chơi rồi bị lôi kéo sử dụng ma túy.

Điều đó thực sự là mối quan tâm của toàn xã hội và là một trong những nguyên nhân làm mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, khi không có tiền thỏa mãn cơn nghiện, người nghiện sẽ chuyển sang mua bán ma túy, thậm chí trộm cắp, cướp giật tài sản, giết người… do vậy khoảng cách từ người nghiện trở thành tội phạm rất mong manh.

Để hạn chế, kéo giảm tác hại của ma túy đối với xã hội, bên cạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy (trong năm 2016, lực lượng công an ở Đồng Nai đã bắt và xử lý 410 vụ, 1.067 đối tượng mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy), công tác cai nghiện ma túy (tại cộng đồng và cai bắt buộc tại trung tâm) đã được các cơ quan chức năng, địa phương ở Đồng Nai thực hiện quyết liệt và thường xuyên.

Tuy nhiên, hiệu quả từ công tác cai nghiện thời gian qua chưa như ý muốn, tỷ lệ tái nghiện còn rất cao (khoảng 90%). Việc tổ chức cho người nghiện đi cai càng khó hơn khi người nghiện được xác định là con bệnh chứ không phải kẻ phạm tội, chỉ có thể sử dụng các biện pháp hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

Để gỡ khó cho công tác tổ chức cai nghiện, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh, trong năm 2016, trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật và rút kinh nghiệm tổ chức cai nghiện tại một số địa phương, UBND tỉnh đã có Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 4-2-2016 về quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

Theo Quyết định 08, đã có 1.578 người nghiện được lập hồ sơ, đưa vào Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc). Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện quá tải, xuống cấp nên vào các tháng 10 và 11-2016 đã xảy ra 3 vụ học viên cai nghiện đập phá phòng ở, hàng rào của cơ sở cai nghiện để bỏ trốn.

Sau sự cố đó, UBND quyết định tạm hoãn thực hiện việc lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện theo Quyết định 08, chờ khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất ở cơ sở cai nghiện rồi trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật sẽ tiếp tục công tác tổ chức cai nghiện bắt buộc.

Trong thời gian tạm hoãn, nhiều trường hợp được đưa vào cơ sở cai nghiện đã được xem xét cho về địa phương, nhiều người nghiện ở địa phương đủ điều kiện lập hồ sơ đưa đi cai bắt buộc chưa thể thực hiện. Tất cả số người nghiện này đang thực hiện cai nghiện tại cộng đồng (trong đó có điều trị bằng methadone), gia đình và cơ sở tư nhân, trong khi hiệu quả không cao. Điều đó gây bất an cho cộng đồng, thậm chí với cả gia đình người nghiện, bởi người nghiện ma túy vốn rất khó kiểm soát và không biết khi nào họ sẽ phạm tội.

Thực tế, công tác cai nghiện ma túy để đạt hiệu quả không phải dễ dàng. Hàng chục năm qua, các cơ quan chức năng và địa phương đã sử dụng nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, vận động, tổ chức cho người nghiện cai nghiện bắt buộc và tự nguyện; dạy nghề, hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng sau cai…, nhưng tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao.

Vì vậy, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ diễn ra ngày 7-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật, tìm các giải pháp để thực hiện công tác cai nghiện ma túy đạt hiệu quả cao hơn.

Phạm Mai

 

Tin xem nhiều