Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo vận hành bộ máy

10:03, 26/03/2017

Bộ Nội vụ đã chính thức công bố dự thảo quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xin ý kiến rộng rãi. Theo dự thảo nghị định này, số lượng các sở ở các địa phương sẽ giảm so với hiện nay khi một số sở gần chức năng, nhiệm vụ sẽ được sáp nhập.

Bộ Nội vụ đã chính thức công bố dự thảo quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xin ý kiến rộng rãi. Theo dự thảo nghị định này, số lượng các sở ở các địa phương sẽ giảm so với hiện nay khi một số sở gần chức năng, nhiệm vụ sẽ được sáp nhập.

Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta thực hiện chủ trương này. Mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực ở Trung ương đã được thu gọn qua các nhiệm kỳ chính phủ từ khóa XI đến nay.

Số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã giảm từ 48 xuống 30 cơ quan (22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ). Không còn cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.

Ở các tỉnh cũng vậy, kể từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa XI đến nay, số lượng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã giảm từ 22 xuống 17 (tổ chức cứng, một số tỉnh, thành có thêm các sở, ngành khác).

Đây có thể xem là những bước đi tuy có phần chậm chạp, nhưng cũng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế. Và trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã trở thành một vấn đề vô cùng bức thiết và là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013 của hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị, về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã chỉ ra những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy cần nghiên cứu, để phù hợp với trình độ, năng lực quản lý và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Theo đó, nghiên cứu phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ; rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm bộ máy đồng bộ, tinh gọn, ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ… Dự thảo nghị định lần này, chính là những nội dung triển khai thực hiện các quyết nghị này của Đảng.

Thực ra trước đây, chúng ta cũng ban hành đầy đủ các quy định về số lượng, biên chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố, tuy nhiên có thể do những quy định không chặt chẽ, nhận thức ở đâu đó có lúc chưa đúng đắn nên dẫn đến hiện trạng nhiều nơi lợi dụng để tăng thêm các cơ quan chuyên môn, bổ nhiệm thêm cấp phó gây bức xúc dư luận.

Sự thay đổi, tách nhập thường xuyên đã làm tăng biên chế, thiếu ổn định tổ chức bộ máy hành chính. Nếu như trước đây, mới chỉ có một vài địa phương như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… thành lập Sở Du lịch thì nay con số này đã lên tới gần 20.

Theo thông tin gần đây nhất từ Bộ Nội vụ, tổng số người hưởng lương và phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị lên tới 3,73 triệu người, chưa kể công an, quân đội. Đó là lý do tổng chi cho lương và hoạt động của bộ máy ở Việt Nam lên tới 67% tổng chi thường xuyên của ngân sách.

Phần chi thường xuyên quá lớn, nên chi cho đầu tư phát triển sẽ ít lại, muốn có phần chi cho đầu tư phát triển chúng ta phải đi vay và như vậy làm cho nợ công liên tục tăng cao. Tổ chức cồng kềnh, biên chế liên tục tăng, cũng chính là nguyên nhân gây khó khăn rất lớn cho chủ trương tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng với lộ trình.

Hợp nhất các sở, ngành để sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhằm nâng cao năng lực hoạt động, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị, đã ở giai đoạn bức thiết và không thể không làm. Tuy nhiên, quy định là một việc còn việc thực hiện có nghiêm hay không lại là chuyện khác. Điều này đòi hỏi cùng với các chủ trương, chính sách phù hợp này, cần phải thực hiện kỷ cương phép nước nghiêm minh.

Ngọc Anh

 

Tin xem nhiều