Cho đến nay, chiến dịch Giờ Trái Đất là một trong những sự kiện xã hội được tổ chức thành công nhất không chỉ ở Việt Nam mà ở quy mô toàn thế giới. Ra đời từ năm 2007 tại TP.Sydney (Úc) từ sáng kiến của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), đến nay đã có khoảng 7 ngàn thành phố thuộc 172 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới hưởng ứng.
Cho đến nay, chiến dịch Giờ Trái Đất là một trong những sự kiện xã hội được tổ chức thành công nhất không chỉ ở Việt Nam mà ở quy mô toàn thế giới.
Ra đời từ năm 2007 tại TP.Sydney (Úc) từ sáng kiến của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), đến nay đã có khoảng 7 ngàn thành phố thuộc 172 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới hưởng ứng. Ở nước ta, chiến dịch này được Bộ Công thương phát động vào năm 2009, đến nay được tất cả các tỉnh, thành cả nước tham gia.
Chiến dịch Giờ Trái đất khuyến khích, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng năng lượng nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tiến tới ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên tự nhiên… từ những điều nhỏ nhất như tắt những thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ. “Tắt đèn, bật tương lai” là thông điệp của chiến dịch Giờ Trái đất năm 2017.
Tuy nhiên, không nên ảo tưởng rằng việc tắt các thiết bị điện trong Giờ Trái đất sẽ thật sự tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Trong thực tế, có những thiết bị khi tắt đi rồi mở lại, lượng điện năng cần tiêu thụ để khởi động còn nhiều hơn lượng điện chạy máy trong một giờ. Bóng đèn - thiết bị được tắt tiêu thụ rất ít điện năng so với các thiết bị khác như: bàn ủi, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, bếp điện.
Bên cạnh đó, người dân tham gia Giờ Trái đất thường có thói quen đốt nến (đèn cầy), lung linh và lãng mạn, nhưng ít ai biết khí CO2 thải ra từ khói nến là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Rồi việc người dân ào ạt đổ ra đường bằng ô tô, xe máy cũng làm lượng khí thải tăng cao, góp phần ô nhiễm môi trường.
Vậy, giá trị nhân văn và ý nghĩa thật sự của Giờ Trái đất ở đâu?
Là ở điểm thông qua các hoạt động trong Giờ Trái đất, trong đó có việc tắt đèn, người dân ý thức được hành tinh của loài người đang gánh chịu những tổn thất nặng nề cả về tài nguyên lẫn môi trường, rằng mỗi người có thể giảm thiểu được điều đó bằng những hành động nhỏ nhất, đó là tiết kiệm năng lượng, là bớt sử dụng bịch ny-lông cũng như những vật liệu khó phân hủy, là trồng một cái cây để trái đất thêm xanh… Một khi ý thức này trở thành thói quen ăn sâu vào nếp sống của người dân thì lúc đó Giờ Trái đất mới thật sự có ý nghĩa.
Muốn vậy, các hoạt động của chiến dịch Giờ Trái đất không nên chỉ tập trung vận động người dân, doanh nghiệp tắt đèn trong một giờ của một ngày, mà phải làm sao tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong 23 giờ còn lại của ngày, cũng như trong 8.736 giờ còn lại của năm. Và không chỉ tiết kiệm điện, người dân còn cần thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen của rất nhiều hành vi nhỏ khác nhằm góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên tự nhiên, gìn giữ môi trường.
Đừng để đến lúc trái đất biến thành hoang mạc với vô số rác thải không tiêu hủy được, môi trường bị hủy hoại đến độ không sinh vật nào sống nổi như trong bộ phim hoạt hình Wall-E đã từng cảnh báo. Tất nhiên, nguy cơ ấy có thể không diễn ra trong thời đại của chúng ta, mà chính thế hệ con, cháu sau này “lãnh đủ” từ sự vô tâm của cha ông. Lúc ấy thì cũng đã muộn.
Hà Lam