Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết liệt được không?

10:01, 08/01/2017

Càng gần đến Tết Nguyên đán, thông tin về thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị phát hiện càng nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nỗi lo của người dân về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm càng gia tăng.

Càng gần đến Tết Nguyên đán, thông tin về thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị phát hiện càng nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nỗi lo của người dân về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm càng gia tăng.

Lo, sợ nhưng rồi người dân vẫn phải tặc lưỡi cho qua để rồi lại tiếp tục ăn, uống, sử dụng nhằm duy trì cuộc sống hàng ngày. Người có điều kiện, thời gian còn chịu khó tìm tới những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm uy tín để mua; người bận rộn nhiều khi chỉ biết tạt qua chợ, mua đại cái gì về nấu nướng hay tiện hơn là ăn, uống ngay ở vỉa hè, quán cóc. Nhiều khi biết là thực phẩm không được hợp vệ sinh, nơi chế biến không đảm bảo mà vẫn phải mua để rồi chỉ đến khi trong người mang bệnh mới giật mình vì đã chủ quan với sức khỏe, tính mạng của chính bản thân.

An toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam chưa bao giờ lại trở thành vấn đề nóng như thời gian qua khi liên tiếp phát hiện các vụ thực phẩm bẩn gây chấn động, như: nội tạng động vật… thối, thiu, có nấm mốc; heo, gà chết bị giết mổ để chế biến thực phẩm… Không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm bất chấp đạo đức sử dụng các loại hóa chất độc hại sử dụng bừa bãi gây nguy hại cho người tiêu dùng. Đó là chưa kể tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên lĩnh vực thực phẩm chưa được kiểm soát tốt làm người tiêu dùng hoang mang.

Chỉ mới ra quân những ngày đầu kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội Xuân 2017, nhưng các đoàn kiểm tra liên ngành ở Đồng Nai đã phát hiện ra không ít lỗi vi phạm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Điều đáng nói, hầu hết các lỗi này đều lặp đi lặp lại, lần nào kiểm tra cũng có, đã bị xử phạt nhưng vẫn mắc. Lý giải nguyên nhân này, nhiều cán bộ kiểm tra cho rằng mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ mức xử phạt hiện còn thấp, thiếu tính răn đe dẫn đến việc cơ sở “lờn thuốc”, không chịu chấp hành. Bên cạnh đó, do có sự phân cấp quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm nên vẫn xảy ra tình trạng nể nang, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Thật khó để kiểm tra, giám sát hàng ngàn cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, nhất là khi đội ngũ cán bộ làm công tác này hiện còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Tuy nhiên, khó nhưng không có nghĩa là không làm được nếu như huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kênh giám sát của dân cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng sẽ khiến cho những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn khó có “đất” sống. Hơn thế nữa, rất cần một khung hình phạt thỏa đáng cho những kẻ vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, coi thường sức khỏe và tính mạng của đồng loại, giống nòi.

Tết Nguyên đán 2017 đang cận kề. Đây là thời điểm “làm ăn” mạnh nhất trong năm của các loại tội phạm, trong đó có loại tội phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu không xử lý quyết liệt thì nỗi lo của người dân về thực phẩm khó có thể được giải tỏa ngay cả ở thời điểm tết đến, xuân về.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều