Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy vai trò giám sát

10:01, 09/01/2017

"MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải phát huy vai trò giám sát của mình... Giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch...". Đó là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương MTTQ tổ chức tại TP.Cần Thơ vừa qua.

“MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải phát huy vai trò giám sát của mình... Giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch...”. Đó là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương MTTQ tổ chức tại TP.Cần Thơ vừa qua.

Ở nước ta, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò hết sức quan trọng cấu thành hệ thống chính trị. Đây là các tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân của tổ chức mình.

Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI, trong văn kiện của đại hội đã bổ sung đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là tham gia giám sát và phản biện xã hội: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Cũng tại Điều 9 Hiến pháp 2013 đã ghi rõ: “MTTQ là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại biểu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước…”.

Trong thực tiễn, MTTQ các cấp tham gia tổng hợp ý kiến các tầng lớp nhân dân gửi tới Đảng, Nhà nước; Công đoàn các cấp đã tham gia giám sát bảo vệ quyền lợi người lao động; tham gia phản biện các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Để cụ thể hóa chức năng này, ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Quyết định 217 đã cơ bản hoàn thiện các quy định về giám sát của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Quyết định 217 cũng nêu rõ mục đích, tính chất của giám sát xã hội, đó là: giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được quy định trong Kế hoạch số 04-KH/TW ngày 16-11-2016
của Bộ Chính trị, có nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là đẩy mạnh giám sát và phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Kế hoạch chỉ rõ: “Đẩy mạnh thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện có hiệu quả quy chế giám sát và phản biện xã hội, tăng cường sự giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của nhân dân”.

Với việc ngày càng không ngừng hoàn thiện các nội dung chỉ đạo về giám sát, cùng với tinh thần chủ động, nỗ lực của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, chúng ta có quyền hy vọng MTTQ và các đoàn thể sẽ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giám sát, góp phần dân chủ hóa đời sống xã hội của đất nước và tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

NGỌC ANH

Tin xem nhiều