Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng xử với di sản

10:11, 21/11/2016

Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất. Đến nay, Việt Nam có 22 di sản thế giới được UNESCO công nhận, thuộc 5 nhóm: di sản thiên nhiên (vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cao nguyên đá Đồng Văn, di sản văn hóa vật thể (quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, thành Nhà Hồ)...

Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất. Đến nay, Việt Nam có 22 di sản thế giới được UNESCO công nhận, thuộc 5 nhóm: di sản thiên nhiên (vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cao nguyên đá Đồng Văn, di sản văn hóa vật thể (quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, thành Nhà Hồ), di sản văn hóa phi vật thể (nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ, ca trù, hội Gióng, hát xoan Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đờn ca tài tử, ví giặm Nghệ Tĩnh, di sản tư liệu thế giới (Mộc bản triều Nguyễn, Bia tiến sĩ Văn miếu Quốc Tử Giám, Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn) và di sản văn hóa hỗn hợp (quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình).

Không chỉ có những di sản văn hóa đã được thế giới công nhận, mà hiện nay cả nước có khoảng trên 40 ngàn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cùng gần 1 ngàn di sản phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, lưu trữ và 104 bảo vật quốc gia. Với một đất nước trải qua hàng ngàn năm đấu tranh Bắc thuộc và liên tục chiến đấu chống xâm lược bảo vệ chủ quyền đất nước như Việt Nam, những di sản văn hóa gìn giữ, bảo tồn đến hôm nay là những tài sản vô giá.

Ngoài giá trị về văn hóa, các di sản thế giới còn có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế. Theo thống kê của UNESCO, ở những nơi có di sản thế giới được công nhận thu hút du khách gấp 2,5 lần so với nơi khác có đặc điểm tương đương. Vì thế, nếu tổ chức khéo, các di sản văn hóa có thể đẩy nhanh sự phát triển của ngành du lịch địa phương cũng như đất nước.

Những năm qua công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở nước ta đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, các nghệ nhân được tôn vinh, công tác xã hội hóa được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị. Tuy nhiên, tổng thể của công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu theo tinh thần của Nghị quyết 33 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bản chất của hoạt động bảo tồn là giữ gìn, bảo vệ các yếu tố nguyên gốc trong di sản văn hóa, thế nhưng nhiều di sản, di tích trong quá trình trùng tu, tôn tạo đã bị mất đi hoặc phai nhạt tính nguyên bản, nguyên gốc. Các loại hình diễn xướng dân gian, như: đờn ca tài tử, âm nhạc cồng chiêng, hát xoan, ví giặm… phải diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng, thì nay lại được “sân khấu hóa”; Nhà nước cho đến nay vẫn chưa có một chương trình đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường để đảm bảo tính trao truyền cũng như giáo dục truyền thống, lòng tự hào và ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa. Bảo tồn di sản văn hóa phải gắn với phát triển, phục vụ mục tiêu phát triển, nhất là phát triển du lịch bền vững, thế nhưng phần lớn các di sản, di tích trong nước vẫn chưa thực hiện được yêu cầu này.

Đồng Nai hiện có 54 di tích, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có nhiều di tích rất có giá trị, như: Mộ Cự thạch Hàng Gòn, Thành Biên Hòa… Dù vậy, trừ một vài di tích, danh thắng, như Trung ương cục miền Nam, núi Chứa Chan phát huy được giá trị về mặt kinh tế, thu hút du khách; hoặc làm tốt công tác xã hội hóa, như: chùa Đại Giác, Thất phủ cổ miếu (chùa Ông), còn lại phần lớn vẫn trong tình trạng “trùm mền”, công tác bảo tồn chỉ biết trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Đó là điều rất đáng tiếc.

Di sản văn hóa được coi trọng và tôn vinh vì đó là loại tài sản quý giá không thể thay thế, không thể tái sinh, nhưng lại rất dễ bị biến dạng và tổn thương trước tác động của các nhân tố tự nhiên và cách hành xử thiếu văn hóa do chính con người gây ra. “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn lại anh bằng đại bác” (Gamzatov, nhà thơ Nga).

HÀ LAM

Tin xem nhiều