Ðảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh vừa tổ chức buổi tọa đàm "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài".
Ðảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh vừa tổ chức buổi tọa đàm “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Đây có thể xem là bước đi phù hợp nhằm tìm giải pháp gỡ rối cho một vấn đề hiện gặp rất nhiều khó khăn hiện nay: phát triển, xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ tháng 6-2016, Tỉnh ủy cũng đã tổ chức buổi tọa đàm “Phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” với hơn 100 doanh nghiệp đã tham gia. Vấn đề nổi lên trong buổi tọa đàm là nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài cho rằng chưa hiểu rõ lắm về vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Cũng bởi hạn chế về thông tin, nhất là chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nên có thể có những chủ doanh nghiệp còn tỏ vẻ ngại ngần trong việc xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể. Có lẽ vì vậy, số tổ chức Đảng ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai còn ít.
Đồng Nai hiện có hơn 24.693 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, trong đó có 400 doanh nghiệp nhà nước, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ có 120 tổ chức cơ sở Đảng với gần 3 ngàn đảng viên trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tư nhân.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng các thành phần kinh tế khác nhau, miễn là đem lại lợi ích cho đất nước như tạo việc làm, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Quan điểm nhất quán này cũng đã được Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh phát biểu khi gặp mặt các chủ doanh nghiệp tại buổi tọa đàm tháng 6-2016, đó là chính quyền Đồng Nai nhất quán quan điểm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”. Từ quan điểm nhất quán này, các cấp ủy, cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh, đặc biệt là các cơ quan về lĩnh vực thuế, hải quan, xây dựng, môi trường, ban quản lý các khu công nghiệp cần tăng cường đối thoại, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp là thành viên quan trọng trong đại gia đình Đồng Nai, toàn tỉnh cùng chung tay thực hiện mục tiêu “Doanh nghiệp phát triển - Đồng Nai phát triển”.
Thực tế cho thấy, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ là hạt nhân chính trị lãnh đạo và tuyên truyền, vận động người lao động trong doanh nghiệp thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tuân thủ kỷ luật lao động, các quy chế, quy định của công ty.
Như vậy, rõ ràng, lợi ích của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp không mâu thuẫn với mục tiêu sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp mà ngược lại còn đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là một vấn đề lớn đặt ra cho các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh trong việc làm sao để các chủ doanh nghiệp nước ngoài hiểu rằng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp không hề mâu thuẫn với mục tiêu sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, mà ngược lại còn mang lại lợi ích hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
NGỌC ANH