Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu để quý trọng

11:11, 30/11/2016

Cách đây 60 năm, ngày 2-12-1956, một sự kiện xảy ra gây chấn động trong bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm: 462 tù nhân chính trị tay không tấc sắt bị giam giữ ở Nhà lao Tân Hiệp đã bất ngờ cướp súng, khống chế quản ngục, giám thị nhà lao và phá khám, vượt ngục thành công.

Cách đây 60 năm, ngày 2-12-1956, một sự kiện xảy ra gây chấn động trong bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm: 462 tù nhân chính trị tay không tấc sắt bị giam giữ ở Nhà lao Tân Hiệp đã bất ngờ cướp súng, khống chế quản ngục, giám thị nhà lao và phá khám, vượt ngục thành công. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của quân dân miền Nam có không ít cuộc vượt ngục của cán bộ, chiến sĩ cách mạng, ngay cả ở những nơi mà địch xây dựng hệ thống giam giữ khắc nghiệt, kiên cố như Côn Đảo, Phú Quốc. Nhưng cuộc vượt ngục ở Nhà lao Tân Hiệp trở thành sự kiện lịch sử bởi tính chất và quy mô của vụ việc.

Thời điểm diễn ra vụ vượt ngục, phong trào cách mạng ở miền Nam đang bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man, trong đó mới nhất là chiến dịch Trương Tấn Bửu tàn sát, bức hại những người kháng chiến cũ. Rất nhiều cán bộ, cơ sở cách mạng sa vào tay địch, nhiều nơi bị “trắng” cán bộ. Nhà lao Tân Hiệp là một trong 6 nhà tù lớn của chính quyền Sài Gòn tại miền Nam, có hệ thống bố phòng, canh gác, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ, nằm gần Bộ Tham mưu sư đoàn dã chiến của địch; là nơi nổi tiếng tra tấn tù nhân dã man nhằm triệt tiêu ý chí chiến đấu, nhiều người tù khi vào đây chỉ còn thân tàn ma dại. Thế nhưng, một kế hoạch vượt ngục quy mô lớn với nhiều người tham gia, được tổ chức và chuẩn bị trong nhiều tháng liền mà vẫn giữ được bí mật cho đến phút cuối. Điều này cho thấy tinh thần của cán bộ cách mạng, đồng bào yêu nước ở miền Nam dẫu trong hoàn cảnh khốn khó, ngặt nghèo vẫn vững niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, tin vào chính nghĩa, giữ vững ý chí đấu tranh, đoàn kết vượt khó. Đây là một bài học lịch sử sâu sắc mà thế hệ hôm nay cần biết, hiểu để tự hào và tiếp nối.

Trong suốt giai đoạn 1954-1975, Nhà lao Tân Hiệp là nơi mà phong trào tù chính trị chống lại các lớp học “tố Cộng”, chống chào cờ, chống đàn áp của địch diễn ra mạnh mẽ; là nơi rèn luyện, thử thách ý chí cách mạng, tinh thần bất khuất của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, nêu cao khí tiết cộng sản, tập hợp đoàn kết thành một khối thống nhất, kiên định đấu tranh cho độc lập dân tộc. Cuộc vượt ngục ngày 2-12-1956 chính là nguồn động viên tinh thần của người tù chính trị cũng như phong trào cách mạng miền Nam suốt những năm tháng chống Mỹ gian khổ.

Ngày nay, Nhà lao Tân Hiệp được công nhận là di tích Nơi diễn ra cuộc phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956, nhưng bề dày truyền thống của di tích không chỉ gói gọn trong sự kiện phá khám mà được vun đắp bằng máu, nước mắt, bằng tính mạng, sự hy sinh của biết bao cán bộ cách mạng, đồng bào yêu nước. Di tích Nhà lao Tân Hiệp nay cũng đã được trùng tu, tôn tạo như ý nguyện của các cựu tù chính trị năm xưa, trở thành nơi lưu giữ, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ mai sau. Vấn đề là từ di tích này, cơ quan chức năng cần có kế hoạch phát huy hiệu quả công tác giáo dục truyền thống trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, như: làm mới cách trưng bày, thuyết minh hiện vật, địa điểm, sự kiện lịch sử; tăng cường phối hợp với các trường học để đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, đưa di tích trở thành một trong những địa điểm về nguồn... Có hiểu, mới yêu thương, quý trọng. Nếu không làm tốt được công tác then chốt này, di tích lịch sử sẽ chỉ là “hiện vật chết”.

HÀ LAM

 

Tin xem nhiều