Báo Đồng Nai điện tử
En

Dẹp nổi không?

09:11, 27/11/2016

Vấn nạn xe quá khổ, quá tải không chỉ xảy ra ở Đồng Nai mà còn diễn ra ở trong cả nước. Còn nhớ, cuối năm 2015, Bộ Giao thông - vận tải và Bộ Công an đã rầm rộ vào cuộc với quyết tâm rất cao truy quét, xử lý dứt điểm tình trạng xe chở quá tải. Khi ấy đã có 5 thứ trưởng của 2 bộ tham gia vào vụ việc này.

Vấn nạn xe quá khổ, quá tải không chỉ xảy ra ở Đồng Nai mà còn diễn ra ở trong cả nước. Còn nhớ, cuối năm 2015, Bộ Giao thông - vận tải và Bộ Công an đã rầm rộ vào cuộc với quyết tâm rất cao truy quét, xử lý dứt điểm tình trạng xe chở quá tải. Khi ấy đã có 5 thứ trưởng của 2 bộ tham gia vào vụ việc này. Đã có những ý kiến kiên quyết và quyết liệt rằng phải dẹp nạn xe chở quá tải trong năm 2015. Cá biệt, có ý kiến của vị tư lệnh ngành đã gọi những xe chở quá tải là “giặc” và kêu gọi mọi người dân cùng chung tay chống “giặc”. Hơn một năm đã trôi qua, công cuộc này hình như đã và đang “giậm chân tại chỗ” và kết quả là “giặc” vẫn sống phây phây, vẫn sống khỏe và nhiều khi “giặc” nghênh ngang như ở chốn không người.

Có lẽ không cần phải nói thì mọi người cũng đã quá hiểu tác hại do các loại xe chở quá tải gây ra, trong số các xe chở quá tải có nhiều xe cơi nới thêm. Trong bối cảnh đường sá ở Việt Nam chật hẹp như hiện nay, người lái xe coi thường pháp luật là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tai nạn giao thông ngày càng phức tạp và trầm trọng. Rất nhiều con đường mới đưa vào sử dụng khoảng thời gian ngắn đã bị cày nát bởi những xe “vua” này. Có lẽ quá bức xúc trước tình trạng này nên người dân ở một số nơi phải đổ ra đường chặn xe.

Đã đành, rất nhiều xe chở quá tải hiện nay “né” lực lượng chức năng bằng cách chạy vào ban đêm. Thế nhưng, thỉnh thoảng trên đường vẫn xuất hiện những xe chở hàng ì ạch leo những đoạn đường không dốc lắm. Chỉ bằng con mắt thường mọi người cũng có thể thấy đó là những xe chở quá tải. Thực ra, hiện nay không phải chở quá tải đơn thuần, có xe còn chở quá tải đến 300%. Chỉ có một điều lạ là không biết các lực lượng chức năng ở đâu? Chúng ta đã thiết lập rất nhiều các trạm cân tải trọng nhưng rồi vẫn có những xe quá tải trọng này lọt lưới một cách ngon lành. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: có hay không tình trạng bảo kê cho các xe này?

Thật ra, trong thời gian qua, các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng xe quá tải, như: thiết lập các trạm cân, chốt chặn thường xuyên tại các đầu mối, xử phạt, tịch thu giấy phép lái xe của tài xế… Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là phần “ngọn” của vấn đề. Với tình trạng đường sá như hiện nay, làm sao có thể dừng tất cả các xe để cân, nếu vậy đường sẽ tắc. Chốt chặn ở các đầu mối, thì họ sẽ chạy đến địa điểm nào đó rồi bốc hàng cho… quá tải.

Có lẽ đã đến lúc cần phải đầu tư nhiều trạm cân tự động để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xe quá tải, xử phạt thật nặng đối với chủ hàng chứ không chỉ người lái xe như hiện nay… Nhưng điều quan trọng nhất phải giải quyết tận gốc vấn đề là giải quyết được nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh của những “con sâu” đang đục khoét các doanh nghiệp vận tải, để những doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trên lĩnh vực vận tải đỡ một khoản chi phí ngoài luồng. Khi ấy, họ sẽ “sống” được và chắc chắn sẽ hạn chế được vi phạm chở quá tải này.

Hồng Phúc

Tin xem nhiều