Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân chủ trong tay chính mình

11:11, 16/11/2016

Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn trải qua những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, trong đó hầu hết là những thế lực hùng mạnh. Thế nhưng mấy ngàn năm qua, đất nước nhỏ bé như nước ta vẫn bảo vệ được độc lập, chủ quyền chính là nhờ biết phát huy sức mạnh tự thân của dân tộc, đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn trải qua những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, trong đó hầu hết là những thế lực hùng mạnh. Thế nhưng mấy ngàn năm qua, đất nước nhỏ bé như nước ta vẫn bảo vệ được độc lập, chủ quyền chính là nhờ biết phát huy sức mạnh tự thân của dân tộc, đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Kể từ cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, tinh thần đại đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ, trở thành dòng chủ lưu của Đảng, tạo thành truyền thống bền vững thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam.

Nước ta với sự chung sống của 54 dân tộc, 13 tôn giáo cùng nhiều tín ngưỡng khác nhau trải rộng các vùng miền từ Nam chí Bắc đã tạo nên sự đa dạng phong phú về bản sắc văn hóa. Chính vì vậy, việc tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước là mục tiêu rất quan trọng. Để thực hiện được điều đó, từng gia đình, từng khu dân cư phải xây dựng được sự đoàn kết, chung sống hài hòa, đó là cơ sở cốt yếu để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Từ năm 1986 đến nay, hàng năm Mặt trận các cấp đều tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là dịp để người trong khu phố, thôn, ấp ngồi lại với nhau cùng bàn bạc về những vấn đề liên quan thiết thực với đời sống, sinh hoạt trong cộng đồng, như: đánh giá kết quả và bàn biện pháp thực hiện tốt các cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cuộc vận động Ngày vì người nghèo, phong trào Đền ơn đáp nghĩa; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ gìn kỷ cương phép nước; phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông; chăm lo sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, khu dân cư văn hóa; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên... Đây cũng là dịp để biểu dương những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, tổ chức các hoạt động thiết thực như: trao nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết…

Với những nội dung trên, việc tham dự ngày hội không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của người dân vì được tham gia và quyết định những vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình, cộng đồng. Ngày hội cũng là hình thức để địa phương phát huy quyền dân chủ ở cơ sở. Trong thực tế, có những địa phương tổ chức rất tốt những nội dung của ngày hội, người dân đóng góp ý kiến và thống nhất xây dựng những “hương ước”, tiêu chuẩn ứng xử làm cơ sở củng cố tình làng nghĩa xóm, giữ gìn các giềng mối tốt đẹp. Nhiều nơi còn tổ chức sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể thao, bữa cơm đại đoàn kết… rất sinh động, là một ngày hội thật sự.

Thế nhưng, cũng có không ít những ngày hội diễn ra rất hình thức, nhất là ở khu vực đô thị. Người dân không buồn đến dự, hoặc có đến cũng “cho có tụ”, thờ ơ với những hoạt động diễn ra trong ngày hội; địa phương “làm cho có” với những nội dung nhàm chán, nhạt nhẽo, thiếu thu hút.

Sự cần thiết tổ chức ngày hội đại đoàn kết là điều chắc chắn. Vấn đề đặt ra là người dân cần ý thức được quyền lợi của mình để không bỏ lỡ, đồng thời địa phương cũng cần có sự sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức, nội dung phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, miền từ điều kiện tự nhiên đến truyền thống văn hóa. Có như vậy, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc mới trở thành sinh hoạt xã hội rộng rãi ở từng cộng đồng dân cư, phát huy được truyền thống của dân tộc, đảm bảo quyền làm chủ của công dân.

Hà Lam

Tin xem nhiều