Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cú hích" cho nông nghiệp phát triển

10:11, 20/11/2016

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào ngày 16-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: để phát triển nông nghiệp quy mô lớn thì rào cản trước hết cần tháo gỡ là vấn đề hạn điền để tích tụ ruộng đất, từ đó làm cơ sở đầu tư công nghệ cao, vốn cho sản xuất nông nghiệp.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào ngày 16-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: để phát triển nông nghiệp quy mô lớn thì rào cản trước hết cần tháo gỡ là vấn đề hạn điền để tích tụ ruộng đất, từ đó làm cơ sở đầu tư công nghệ cao, vốn cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng nếu xóa bỏ được vấn đề hạn điền sẽ là cú hích mạnh mẽ cho nông nghiệp phát triển.

Nhìn lại lịch sử của vấn đề, năm 1993 Nhà nước đã tạo ra động lực mạnh mẽ khi ban hành Nghị định 64 giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, đồng nghĩa với việc xóa bỏ các hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ tập trung tư liệu sản xuất nhưng hoạt động theo lối “đánh kẻng đi cày”. Tuy nhiên, đến nay việc hộ gia đình, cá nhân sở hữu đất đai, phát triển theo hướng kinh tế hộ gia đình đã bộc lộ nhiều nhược điểm, như: thiếu đồng bộ trong sản xuất, đất đai manh mún khó tập trung sản xuất lớn cũng như khó ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Thử hình dung, trong khi hộ gia đình này tập trung trồng bắp thì hộ cạnh bên lại canh tác vườn trái cây, hộ khác lại trồng hoa màu… dẫn đến sản phẩm thu hoạch với số lượng nhỏ lẻ, không đủ cung ứng cho những đơn hàng lớn. Hoặc, nhiều địa phương hiện nay vẫn còn cảnh nông dân trồng bắp thu hoạch theo kiểu thủ công, bẻ từng trái bắp, lột bỏ vỏ, lãi hạt bắp. Trong khi đó thế giới đã có máy thu hoạch bắp công suất từ 40-100 hécta/ngày, vừa giảm được công lao động vừa rút ngắn thời gian thu hoạch dẫn đến giảm giá thành bắp một cách đáng kể, nhưng không thể đưa máy vào hoạt động bởi vướng vô số bờ bao ngăn cách ruộng của hộ này với hộ khác.

Bước vào sân chơi hội nhập quốc tế, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp về mọi mặt, trong đó chủ yếu là giảm giá thành sản phẩm, tăng cường mối liên kết với doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh đã trở thành vấn đề then chốt. Muốn vậy, chắc chắn phải nghiêm túc gỡ vướng mắc về hạn điền. Điều 129 Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức giao đất nông nghiệp cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp không quá 2-3 hécta thật sự là một rào cản lớn. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại nếu gỡ bỏ mức hạn điền, có nguy cơ đất nông nghiệp sẽ tích tụ trong tay một số cá nhân, doanh nghiệp dẫn đến tình trạng “phát canh thu tô”, nông dân trở thành “tá điền” làm thuê cho “địa chủ” như trước năm 1945.

Lo ngại trên là có cơ sở, nhưng không thể vì vậy mà vẫn giữ hạn điền làm trì trệ nền kinh tế nông nghiệp, bởi xóa bỏ hạn điền để hình thành những cánh đồng lớn đã là xu thế khách quan. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thực tế tại những nơi mà ông từng đi kiểm tra, giám sát cho thấy nơi nào nông dân tích tụ được từ vài chục cho đến hàng trăm hécta thì đều có thể sản xuất hàng hóa và hội nhập được; không phải lo ngại việc nông dân mất đất, mất việc làm. Vấn đề là Nhà nước cần tạo khung pháp lý hợp lý, chặt chẽ, như quy định khung phân chia lợi nhuận rõ ràng giữa người sở hữu ruộng đất và nông dân trực tiếp sản xuất; hoặc nông dân có thể tham gia góp cổ phần bằng đất đai để thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng đôi bên cùng có lợi, như vậy nông dân vừa được thu lợi từ việc cho thuê đất vừa được trả công theo sức lao động bỏ ra trên đồng ruộng.

Một nền kinh tế phát triển luôn cần sự năng động, quyết liệt, thay đổi kịp thời phù hợp với những xu thế mới.  

HÀ LAM

Tin xem nhiều