Báo Đồng Nai điện tử
En

Vinh quang và trọng trách

10:10, 12/10/2016

Truyền thống của các quốc gia Đông Á suốt cả một thời kỳ dài không trọng doanh nhân. Chỉ cách đây chưa đầy nửa thế kỷ, Việt Nam vẫn xếp buôn bán vào hạng bét trong các nghề chính của xã hội: Sĩ - nông - công - thương, coi người buôn bán hạng "con buôn", "gian thương" như một hình thức miệt thị âm thầm.

Truyền thống của các quốc gia Đông Á suốt cả một thời kỳ dài không trọng doanh nhân. Chỉ cách đây chưa đầy nửa thế kỷ, Việt Nam vẫn xếp buôn bán vào hạng bét trong các nghề chính của xã hội: Sĩ - nông - công - thương, coi người buôn bán hạng “con buôn”, “gian thương” như một hình thức miệt thị âm thầm.

Nay thì khác, doanh nhân đã có vị thế khác, xã hội tôn trọng người giàu và những người tạo ra của cải vật chất, tạo ra công ăn việc làm và tạo ra những giá trị thay đổi lớn lao nhất trong đời sống. Doanh nhân được vinh danh, song cũng gánh trên vai nhiều trọng trách, trong đó trọng trách lớn nhất là góp phần đưa đất nước vượt qua nghèo khó, vượt qua sự kiệt quệ của những năm tháng dài chiến tranh giữ nước bằng chính nguồn của cải vật chất được làm ra trên chính quê hương. Điều này vượt quá những vinh quang hay cay đắng của cá nhân một doanh nhân/doanh nghiệp nào đó, mà đã trở thành việc của toàn xã hội. Ngày nay, nhắc đến một quốc gia là nhắc đến chuyện thu nhập bình quân đầu người, mức sống, sự văn minh… và những điều đó chỉ được khẳng định dựa trên một quốc gia “dân giàu - nước mạnh”.

Trong lễ phát động thi đua với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam lần thứ 12 (13-10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp từ con số 600 ngàn doanh nghiệp hiện nay. Điều này cũng được Thủ tướng đề cập đến trong nhiều phát biểu, nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng Việt Nam phải trở thành quốc gia khởi nghiệp. Một quốc gia khởi nghiệp là “một quốc gia mà đâu đâu người dân cũng bàn về chuyện làm ăn, nói về chuyện làm ăn và sẵn sàng xông vào làm ăn, sản xuất”.

Giờ, những thương hiệu Việt hùng mạnh vượt ra ngoài biên giới quốc gia, như: Vinamilk, Viettel, Trung Nguyên, Vietnam Airlines… là niềm tự hào không chỉ của riêng doanh nhân, doanh nghiệp, mà thậm chí trở thành những thông điệp quan trọng trên các bàn đàm phán, ngoại giao tầm quốc gia thông qua các đợt thăm viếng, công du của nhiều nguyên thủ. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam, đủ để thấy doanh nhân - doanh nghiệp đang được giao những trọng trách lớn lao đến mức nào.

Vinh quang là một lẽ, nhưng những khó khăn thử thách trước mắt và cả lâu dài của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng không ít. Những doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn sẽ phải cạnh tranh với những “ông lớn” đã có hàng trăm năm kinh nghiệm trên những sân chơi chung mà sẽ chẳng có bất kỳ ưu đãi nào hay nhân nhượng nào cả. Chưa kể những khó khăn từ các yếu tố nội lực bên trong, như: hành lang pháp lý chưa rõ ràng, luật còn chồng chéo, quy định ràng buộc khắp nơi... khiến nhiều doanh nghiệp khó trở mình lớn dậy cũng là những yếu tố cản chân rất nhiều.

Còn gì đáng lo lắng hơn khi các câu chuyện, kiến nghị chính yếu của doanh nhân trong nhiều lần gặp gỡ nhà chức trách vẫn xoay quanh những câu chuyện bất bình nho nhỏ về đất đai, thuế má, thái độ của những người thực thi quy định… thay vì những kiến nghị mang tầm vĩ mô hơn, những đề xuất có tính sáng tạo lan tỏa lớn hơn. Hy vọng những điều này sẽ được cải thiện với tinh thần xây dựng và tạo một hệ sinh thái lớn mạnh cho doanh nghiệp, để doanh nhân tự tin gánh vác tiếp những vinh quang và trọng trách mà quốc gia đã đặt lên vai họ.

Kim Ngân

Tin xem nhiều