"Sẽ kỷ luật các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý xây dựng" là một yêu cầu nghiêm khắc trong Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh vừa được ban hành (Báo Đồng Nai đã đưa tin).
“Sẽ kỷ luật các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý xây dựng” là một yêu cầu nghiêm khắc trong Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh vừa được ban hành (Báo Đồng Nai đã đưa tin).
Tình trạng xây dựng nhà trái phép, không phép ở một số địa phương trên địa bàn Đồng Nai không còn xa lạ với nhiều người, nhất là ở những khu đô thị mới. Trong thực tế đã có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật liên quan đến nội dung này. Tại sao lại có tình trạng này? Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu? Có hay không tình trạng móc ngoặc của cán bộ để làm ngơ cho việc xây dựng trái phép, không phép?
Những vi phạm trong xây dựng, nhất là việc xây dựng không phép và sai phép ở một số địa phương trong tỉnh thời gian qua không chỉ gây lộn xộn, mất mỹ quan, trật tự đô thị, vi phạm pháp luật mà còn làm xói mòi lòng tin của người dân vào hệ thống chính trị, vào chính quyền các xã nơi để xảy ra tình trạng này. Tất nhiên, để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do đội ngũ cán bộ phụ trách nhiệm vụ này còn mỏng và hạn chế về năng lực. Thế nhưng, đó chắc chắn không phải là nguyên nhân chính. Hệ thống chính trị của chúng ta vươn xuống tận ấp, khu phố, tổ dân phố. Ở đâu cũng có đầy đủ ban bệ, đoàn thể… Cứ cho rằng đội ngũ cán bộ về trật tự đô thị còn thiếu và yếu, vậy các tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận ấp, khu phố, trưởng các đoàn thể ở đâu khi những sai phạm này liên tục xảy ra hết năm này qua năm khác?
Cho dù đưa ra bất cứ lý do gì thì để xảy ra tình trạng mất trật tự trong xây dựng trên địa bàn chắc chắn vẫn là trách nhiệm của chính quyền những địa phương nơi xảy ra sai phạm. Chắc chắn chính quyền ở cơ sở không thể chối bỏ trách nhiệm của mình trước những sai phạm về xây dựng trên địa bàn. Xây một công trình, dù nhỏ cũng là căn nhà chứ không phải lều vịt. Nếu biết mà để xảy ra tình trạng như trên, hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương ở đâu? Vì vậy, có giải thích ra sao thì người dân vẫn cứ nghi ngờ có việc làm lơ, móc ngoặc giữa cán bộ địa phương với những người vi phạm.
Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn thông cảm và chia sẻ những khó khăn trong quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn bởi đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và rất khó khăn. Tuy nhiên, tại sao có những vụ việc người dân chỉ cần đổ một xe cát hay cơi một tấm tôn đã ngay lập tức bị “hỏi thăm”?
Vi phạm trật tự xây dựng, nhất là tình trạng xây dựng không phép, sai phép là những sự việc thách thức tính nghiêm minh trong kỷ cương phép nước. Vì vậy, để giải quyết vấn nạn này - cho dù khó khăn, nhưng nếu các cơ quan quản lý Nhà nước thật sự quyết liệt cũng không hẳn là quá khó khăn. Trong bối cảnh đất nước và tỉnh Đồng Nai đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế hiện nay, việc xin thêm biên chế để “quản” mảng xây dựng là không khả thi. Các cơ quan có trách nhiệm cũng không thể ngồi đợi để Chính phủ thay đổi Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng. Việc cần làm ngay lúc này để lập lại kỷ cương phép nước, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương mà nội dung chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ ra rất rõ. Cần có chế tài và pháp luật nghiêm minh và cho dù xây nhà không phép hay trái phép cũng phải được xử lý kiên quyết, nghiêm minh, triệt để. Xóa bỏ ngay tình trạng phạt để cho tồn tại và hợp thức hóa với bất kỳ lý do gì đối với các căn nhà xây dựng trái phép, không phép.
Chỉ thị đã quy định rất rõ. Vấn đề còn lại là sự vào cuộc của những cơ quan có trách nhiệm.
Như Ái