UBND tỉnh vừa ký Quyết định 48/2016/QĐ-UBND ban hành quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn Đồng Nai thay thế cho Quyết định 36 ngày 6-5-2008 và có hiệu lực kể từ ngày 1-10-2016 (Báo Đồng Nai đã có bài viết).
UBND tỉnh vừa ký Quyết định 48/2016/QĐ-UBND ban hành quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn Đồng Nai thay thế cho Quyết định 36 ngày 6-5-2008 và có hiệu lực kể từ ngày 1-10-2016 (Báo Đồng Nai đã có bài viết). Một điểm đáng chú ý trong quyết định này là tại Khoản 2, Điều 12 quy định các hành vi bị cấm: “không rắc rải vàng mã, tiền Việt Nam hoặc tiền nước ngoài trên đường đưa tang...”.
Tiếp theo Đà Nẵng và một vài tỉnh, thành khác, quyết định này của UBND tỉnh Đồng Nai được xem là kịp thời và cần thiết trong lúc này để thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Việc đốt vàng mã đã có nhiều bài viết, nhiều ý kiến của các bậc cao tăng thạc đức của Phật giáo Việt Nam lên tiếng. Tất cả ý kiến của các vị đều khẳng định Phật giáo không có sách nào nói về việc đốt vàng mã. Những năm gần đây, tục lệ đốt vàng mã đã biến tướng bằng nhiều hình thức khác nhau, mà một trong những hình thức ấy là rải vàng mã và cả tiền thật, bao gồm cả tiền đồng và tiền nước ngoài trên đường đưa tang.
Hành vi rải vàng mã, tiền trên đường đưa tang làm ô nhiễm môi trường sống; gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị; cản trở và không đảm bảo an toàn giao thông; lãng phí tiền bạc. Theo các quy định hiện hành, nếu rải tiền Việt Nam trên đường đưa tang, ngoài việc có thể gây tai nạn giao thông vì người đi đường mải mê nhặt tiền thì còn bị phạt rất nặng. Tại điểm e, Điều 10 Thông tư số 04 ngày
21-1-2011 của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch quy định: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng theo Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 75 ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Thọ Mai gia lễ của Hồ Sỹ Tân biên soạn ở thế kỷ thứ XVIII hiện được xem là cuốn sách “cẩm nang” về việc tổ chức tang lễ cũng không hề nói về việc rải vàng mã khi đưa tang. Việc rải vàng mã khi đưa tang hiện nay chủ yếu do thói quen là chính.
Tất nhiên, để thay đổi thói quen, thay đổi một tập tục là không dễ và không thể giải quyết dứt điểm trong “một sớm, một chiều”. Vì vậy, việc cần làm trước tiên là các cơ quan có trách nhiệm phải tuyên truyền sâu rộng bằng những nội dung thật sự thuyết phục để thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này. Đặc biệt, cần phối hợp thật tốt với giáo hội Phật giáo các cấp, dựa vào các bậc tu hành có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân dần xóa bỏ hủ tục lãng phí, vô bổ và gây nhiều hệ lụy này.
Hồng Phúc