Báo Đồng Nai điện tử
En

Để tình yêu lan tỏa

10:10, 26/10/2016

Năm 1976, sau khi tỉnh Đồng Nai được thành lập thì Hội Hồng thập tự tỉnh (nay là Hội Chữ thập đỏ tỉnh) ra đời. Thời điểm đó, Hội vừa tiến hành xây dựng tổ chức Hội, vừa tham gia triển khai cứu trợ cho đồng bào hồi hương, đi xây dựng các vùng kinh tế mới.

Năm 1976, sau khi tỉnh Đồng Nai được thành lập thì Hội Hồng thập tự tỉnh (nay là Hội Chữ thập đỏ tỉnh) ra đời. Thời điểm đó, Hội vừa tiến hành xây dựng tổ chức Hội, vừa tham gia triển khai cứu trợ cho đồng bào hồi hương, đi xây dựng các vùng kinh tế mới.

40 năm qua, hoạt động của Hội không ngừng phát triển về quy mô, hình thức, phương pháp thực hiện. Từ chỗ hoạt động ban đầu chủ yếu dựa vào hàng hóa viện trợ quốc tế và hỗ trợ của Hội cấp trên, các cấp Hội trong tỉnh đã tiến đến tự vận động tổ chức các hoạt động nhân đạo theo hướng chuyên nghiệp, không chỉ trao “con cá” mà hướng đến trao “cần câu”, như: hỗ trợ vốn sản xuất, vốn chăn nuôi, tặng bò sinh sản, chữa bệnh từ thiện cho đối tượng khó khăn. Ở đâu có thiên tai, bão lụt, có những mảnh đời bất hạnh, các cấp Hội Chữ thập đỏ đều có mặt. Hình ảnh những chuyến xe chất đầy hàng, quà hỗ trợ của các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai đã trở nên thân thương, quen thuộc với đồng bào các tỉnh bị thiên tai, bão lụt ở các tỉnh miền Trung, miền Tây, miền Bắc. Nhiều cá nhân, tập thể, doanh nghiệp đã xem Hội Chữ thập đỏ như “ngôi nhà chung của lòng từ thiện”, tự nguyện tìm đến đóng góp hoặc rộng mở “hầu bao” khi được vận động. Các hoạt động của Hội trong 40 năm qua đã tạo được niềm tin của Đảng, chính quyền và nhân dân khắp nơi, kể cả ngoài tỉnh.

Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu đó? Chính là tấm lòng của những người làm công tác chữ thập đỏ khắp nơi trong tỉnh. Nếu tính đến thu nhập, lương hay phụ cấp của cán bộ, cộng tác viên làm công tác chữ thập đỏ rất “bọt bèo”, nhất là ở cơ sở như phường, xã, thu nhập của đội ngũ này có khi chỉ đủ để đổ xăng đi công tác, xuống dân. Thế nhưng, đội ngũ này vẫn tăng một cách “đáng nể” qua từng năm, từng nhiệm kỳ. Những người “vác tù và hàng tổng” này đã thầm lặng từng ngày, từng ngày một len lỏi đến với dân, làm rất nhiều việc “không tên”: phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vận động hiến máu; làm cầu nối giữa mạnh thường quân, nhà hảo tâm với người nghèo, hoàn cảnh khó khăn… Chỉ có tấm lòng nhân ái, cái đầu nhiệt tình với cộng đồng, trái tim biết thương yêu, san sẻ với người bất hạnh mới trở thành động lực để đội ngũ chữ thập đỏ hoàn thành nhiệm vụ, đem tình yêu lan tỏa nơi nơi.

40 năm qua, nhiều tên tuổi lãnh đạo các cấp Hội chữ thập đỏ trong tỉnh đã in đậm trong lòng dân: ông Lê Đức Sanh (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhiệm kỳ 1980-1985), bác sĩ Lê Hữu Thành (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhiệm kỳ 1987-1993), cô Hai Nga (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhiệm kỳ 1993-1998)… với những hoạt động đa dạng, phong phú, như: xây dựng nhà tình thương cho người nghèo; vận động làm chân tay giả, tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam; cứu trợ đồng bào bị bão lụt, thiên tai; vận động phẫu thuật mắt, tim, vá hàm ếch cho người nghèo khuyết tật…

Những đóng góp của các cấp Hội đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Hy vọng trong nhiệm kỳ tới (2016-2021), các hội viên, tình nguyện viên và cán bộ Hội các cấp tiếp tục đoàn kết, nỗ lực để ngày càng khẳng định vai trò, uy tín của Hội, viết tiếp truyền thống vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ Đồng Nai.

Hà Lam

Tin xem nhiều