Có một món ăn trên bất cứ mâm cơm gia đình Việt nào cũng không thể thiếu, không kể nhà giàu sang hay nhà nghèo, đó là nước mắm. Không có gì lạ khi mà mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ 200 triệu lít nước mắm.
Có một món ăn trên bất cứ mâm cơm gia đình Việt nào cũng không thể thiếu, không kể nhà giàu sang hay nhà nghèo, đó là nước mắm. Không có gì lạ khi mà mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ 200 triệu lít nước mắm. Thế nhưng tất cả những người nội trợ sẽ “giật thót mình” khi các cơ quan chức trách công bố 75% trong số 200 triệu lít nước mắm ấy là hàng công nghiệp, tức được pha chế từ hương liệu, chất điều vị… chứ không phải được chiết xuất từ cá.
Việc sử dụng tên gọi quá lộn xộn cùng quảng cáo rầm rộ những sản phẩm được gọi là nước mắm hiện nay đã làm cho người tiêu dùng hoa mắt và không biết đâu là thật, giả. Người Việt Nam hiểu nước mắm phải là sản phẩm thu được trong quá trình lên men hỗn hợp giữa cá và muối trong khoảng thời gian nhất định nào đó, thường là kéo dài, có khi đến cả năm.
Việc có quá nhiều loại được gọi là nước mắm bán tràn lan trên thị trường hiện nay nhưng chưa được kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ gây hại cho người tiêu dùng rất lớn. Các nhà khoa học, dinh dưỡng học nhiều lần khuyến cáo rằng thực phẩm tốt cho sức khỏe con người là thực phẩm thật “từ đất lên đĩa” chứ không phải những loại thực phẩm chứa quá nhiều chất tạo màu, mùi vị công nghiệp. Trong bối cảnh tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập như hiện nay, đã có quá nhiều thực phẩm dành cho con người được ướp, tẩm các gia vị và hóa chất; nay lại thêm nước mắm nữa người tiêu dùng không thể không hoang mang.
75% số được gọi là nước mắm được bán trên thị trường hiện nay, chiếu theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN5107:2003), nhiều loại nước mắm trên thị trường đều không phải... nước mắm mà phải gọi đúng tên là nước chấm. Thế nhưng trong suốt nhiều năm qua, không hề có bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào về vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra, phân định rạch ròi, khuyến cáo để người dân biết. Có lẽ vì vậy mà nhầm lẫn của người tiêu dùng khi mua nước mắm là điều dễ hiểu. Đã không có kiểm tra, phân biệt rạch ròi đúng với tên gọi sản phẩm thì các cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý thị trường sẽ làm gì khi chính các cơ sở này vi phạm? Nếu vào siêu thị, đến quầy bán nước mắm chắc chắn mọi người sẽ “hoa cả mắt” vì đủ các sản phẩm bày bán được gọi là nước mắm. Chai nước mắm ghi trên nhãn là chiết xuất từ tinh chất cá hồi Nhật Bản, nhưng nếu chỉ một giọt tinh chất cá hồi mà bị pha hàng trăm lít nước mắm thì cũng có sao? Liệu có thể phạt doanh nghiệp vi phạm hay không? Vì lẽ ấy, điều mà người tiêu dùng băn khoăn là thực sự phần trăm “tinh chất” này trong chai nước mắm là bao nhiêu.
Chai nước mắm có thể ai đó xem là “chuyện nhỏ”, nhưng thực tế là không nhỏ bởi liên quan đến mâm cơm của mấy chục triệu gia đình người Việt. Có lẽ vì vậy mà khi báo chí lên tiếng, Thủ tướng Chính phủ đã ngay lập tức chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước khẩn trương điều tra làm rõ và báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, nếu Thủ tướng không chỉ đạo phải chăng các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này đã không vào cuộc?
Đã đến lúc, cơ quan quản lý cần khẩn trương vào cuộc để lập lại kỷ cương thị trường nước mắm ở Việt Nam nhằm quy định rõ ràng việc ghi thông tin trên nhãn mác, tránh gây nhầm lẫn và đánh lừa người tiêu dùng. Cần có quy định thật cụ thể trên nhãn hàng hóa: đó là nước mắm hay nước chấm; nếu là nước chấm thì phụ gia là gì, nguồn gốc từ đâu…
Trả lại tên cho nước mắm, “cuộc chiến” này chắc hẳn vẫn không ít gian nan.
HỒNG PHÚC