Báo Đồng Nai điện tử
En

Công – tư phân minh

10:10, 03/10/2016

Có một thực tế hiện nay là y tế công đang quá tải. Đã có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ quá tải bệnh viện công. Một trong những giải pháp thật sự mang tính khả thi cao chính là xã hội hóa y tế.

Có một thực tế hiện nay là y tế công đang quá tải. Đã có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ quá tải bệnh viện công. Một trong những giải pháp thật sự mang tính khả thi cao chính là xã hội hóa y tế. Xã hội hóa y tế không phải làm giảm đầu tư của Nhà nước về lĩnh vực này mà làm tăng thêm nguồn lực vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều hình thức xã hội hóa y tế khác nhau. Trong đó, loại hình phổ biến đã được các bệnh viện: đa khoa Đồng Nai, đa khoa Thống Nhất, nhi đồng Đồng Nai… thực hiện từ lâu, đó là các bệnh viện tự vay vốn ngân hàng hoặc huy động của người lao động trong đơn vị để thực hiện xã hội hóa. Cùng với xã hội hóa, Nhà nước vẫn tiếp tục quan tâm đầu tư cho y tế. Vì lẽ ấy, xã hội hóa y tế không phải là việc Nhà nước đẩy cho tư nhân mà chính càng tăng cường xã hội hóa y tế, vai trò của Nhà nước càng thể hiện rõ trong việc giám sát, kiểm tra, theo dõi, đánh giá để các cơ sở xã hội hóa này hoạt động đúng pháp luật với mục đích cao nhất là phục vụ người dân được tốt hơn.

Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và thật sự hiệu quả bởi nhờ xã hội hóa, các bệnh viện công sẽ có thêm trang thiết bị hiện đại, ứng dụng kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh, qua đó trình độ của đội ngũ nhân viên y tế trong các cơ sở công lập được nâng cao. Tất cả những điều này sẽ đem đến hiệu quả thật sự mà xã hội mong đợi chính là người bệnh được hưởng lợi từ chính xã hội hóa này. Với số vốn xã hội hóa huy động được trên 3 ngàn tỷ đồng trên địa bàn tỉnh và thu hút khoảng 20% số lượt người khám chữa bệnh ở các cơ sở thuộc loại hình xã hội hóa y tế ở Đồng Nai thời gian qua đã khẳng định hiệu quả thiết thực mà mô hình này mang lại.

Thế nhưng, nếu những đơn vị xã hội hóa nhưng bằng hình thức công - tư trong các cơ sở y tế của Nhà nước không tuân thủ các quy định của Nhà nước về thu chi tài chính, công khai minh bạch thì khả năng xảy ra sai sót là điều khó tránh khỏi và được dự báo trước. Việc xã hội hóa bằng hình thức tư nhân đầu tư xây dựng các cơ sở y tế tư nhân do đồng tiền mà họ bỏ ra và tự quản lý nên khả năng “lời ăn, lỗ chịu” rất rạch ròi. Mấu chốt vấn đề chính là xã hội hóa ở hình thức công - tư và các phòng khám tư nhân. Về nguyên tắc, cho dù bệnh viện vay vốn hay huy động của nhân viên thì ngoài máy móc thiết bị, còn lại từ cơ sở vật chất, điện, nước, xử lý chất thải và con người vẫn là của bệnh viện công. Vì vậy, vấn đề công - tư cần phải thật sự minh bạch và rạch ròi để không lẫn lộn. Trong thực tế từng xảy ra hiện tượng là cũng máy móc ấy, thiết bị ấy, ở cơ sở y tế Nhà nước thì “đắp chiếu”, nhưng khi xã hội hóa thì chạy hết công suất.

Tất nhiên, bất cứ vấn đề gì cũng có mặt được và mặt hạn chế và xã hội hóa y tế nói chung, xã hội hóa y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật này. Điều quan trọng nhất lúc này chính là việc cần nhìn nhận lại tổng thể vấn đề để kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc, xộc xệch và tạo điều kiện thuận lợi cho những việc mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Trong vấn đề này, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về y tế là đặc biệt quan trọng.

Như Ái

 

Tin xem nhiều