Báo Đồng Nai điện tử
En

Tư duy nóng vội

10:09, 18/09/2016

Hơn một tuần sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, dù lãnh đạo Bộ liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng để khẳng định những ưu điểm của phương án này, nhưng không chỉ phụ huynh, học sinh hoang mang mà ngay cả các giáo viên, lãnh đạo trường học cũng lo lắng không yên.

Hơn một tuần sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, dù lãnh đạo Bộ liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng để khẳng định những ưu điểm của phương án này, nhưng không chỉ phụ huynh, học sinh hoang mang mà ngay cả các giáo viên, lãnh đạo trường học cũng lo lắng không yên.

Xét về mặt lý thuyết, dự thảo phương án của Bộ đưa ra mang tính khoa học, đáp ứng như cầu thực tế của xã hội. Trước hết, 2 cụm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng được gom làm một, giảm tốn kém chi phí đồng thời giao quyền tự chủ việc tổ chức thi về cho địa phương, quyền tự chủ tuyển sinh về cho các trường đại học, cao đẳng. Phương án này cũng có ưu điểm là đánh giá được kiến thức toàn diện của học sinh phổ thông, giảm bớt tình trạng học tủ, học lệch. Cần nhớ, yêu cầu chung của ngành giáo dục là học sinh khi tốt nghiệp phổ thông là phải có những kiến thức cơ bản, phổ thông trong một số lĩnh vực, thế nhưng cách tuyển sinh đại học vừa qua khiến học sinh chỉ tập trung vào các môn học của khối thi đã chọn lựa, phương án thi mới đưa ra phần nào khắc phục nhược điểm này. Ngoài ra, phương thức thi trắc nghiệm, chấm thi bằng máy cũng hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử hoặc ý chí chủ quan của người chấm thi.

Vậy, vì sao một phương án hợp lý như thế lại không nhận được sự đồng tình cao của xã hội? Đó là vì Bộ GD-ĐT đã quá nóng vội khi “áp” phương án thi ngay trong năm 2017, tức chỉ còn có 10 tháng để nhà trường, giáo viên và học sinh chuẩn bị. 10 tháng để giáo viên, học sinh làm quen với phương pháp học phù hợp với lối thi trắc nghiệm, làm quen với bộ đề mẫu, thời gian quá ít ỏi so với tương lai của học sinh sau 12 năm học nên không thể khiến gia đình lẫn học sinh an tâm, chấp nhận.

Thời gian qua, xã hội đã “chóng mặt” với những thay đổi liên tiếp phương án tuyển sinh đại học của Bộ. Nhiều người đã ví von rằng nếu như phương thức tuyển sinh năm 2015 giống như “chơi chứng khoán” thì đến năm 2016 vừa qua lại giống như “chơi xổ số”, có thể vì thế đã dẫn đến mất lòng tin vào sự đổi mới của Bộ GD-ĐT. Sự thay đổi liên tục, luôn kèm theo những bất cập ấy đã khiến nhiều người cho rằng học sinh chỉ là “chuột thí nghiệm” của Bộ. Trong khi xã hội chưa đủ niềm tin, thì Bộ lại “ép” ngay một phương án thay đổi quá mới trong một thời gian quá ngắn, trách sao phụ huynh và học sinh không hoang mang, phản ứng.

Lẽ ra, trước một sự thay đổi phương án tuyển sinh mới mẻ liên quan đến hàng triệu học sinh như vậy, Bộ GD-ĐT cần thận trọng trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cũng như ý kiến của xã hội nhằm bổ sung, hoàn thiện phương án hơn nữa, dự báo các yếu tố bất cập để hạn chế hơn nữa những tác động xấu nếu có, sau đó cần làm công tác tư tưởng để người dân đồng thuận, chấp nhận. Muốn thực hiện sự đổi mới luôn cần phải có lộ trình thích hợp. Nếu cứ chủ quan, nóng vội, thực hiện đổi mới một cách duy ý chí thì sẽ tiếp tục tạo ra những những bất an cho xã hội.

HÀ LAM

 

Tin xem nhiều